EU quay ngoắt thái độ, "ghẻ lạnh" với Anh hơn bao giờ hết

10:07, 28/06/2016
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) tối qua (27/6) vừa lạnh lùng tuyên bố, họ sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc họp công khai không chính thức nào với London về quyết định rời EU (Brexit) của nước này đồng thời yêu cầu Thủ tướng David Cameron hãy nhanh chóng tiến hành gửi thông báo chính thức về quyết định của Anh.

Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Italia (lần lượt từ trái sang phải)
Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Italia (lần lượt từ trái sang phải)

Anh sẽ phải áp dụng “Điều 50” của Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm nhằm đạt được mục đích cuối cùng là cuộc chia tay với EU.

Lãnh đạo phe ủng hộ đưa Anh ra khỏi EU đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại không chính thức với giới lãnh đạo của liên minh này nhằm vạch ra một bản phác thảo thoả thuận trước khi bắt đầu tiến trình đàm phán chính thức. Thủ tướng Cameron chiều qua cũng đã ủng hộ đề xuất được đưa ra tại Quốc hội Anh nói trên.

Tuy nhiên, lời đề nghị gặp gỡ của giới lãnh đạo Anh đã nhanh chóng bị EU khước từ một cách phũ phàng. Thủ tướng Đức Angela Merkel tối qua đã thẳng thừng cho biết, “chúng tôi nhất trí với nhau rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đối thoại chính thức hay không chính thức nào với Anh” cho đến khi Điều 50 được đưa vào áp dụng.

Bà Merkel đã đưa ra tuyên bố trên ở thủ đô Berlin sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Trước đó, nữ Thủ tướng Đức cũng cho biết, bà “có thể hiểu được phần nào” thực tế là Anh cần phải “có một khoảng thời gian nhất định” để phân tích xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ở nước họ.

3 nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đã khiến những thủ lĩnh hàng đầu của chiến dịch vận động cho Anh rời khỏi EU tức điên lên vì lời từ chối phũ phàng. Những người này từng hy vọng tận dụng khoảng thời gian chuyển tiếp trước khi một Thủ tướng Anh mới lên cầm quyền để bắt đầu phác thảo ra một thoả thuận.

Tuy nhiên, EU tuyên bố, họ chỉ chấp nhận nói chuyện với Anh khi nước này chính thức “nộp đơn ly dị”.

Ngoài việc thể hiện một thái độ ghẻ lạnh với Anh, giới lãnh đạo EU cũng nhanh chóng cảnh báo các nước khác không được có tư tưởng như London. Bà Merkel cho rằng, EU cần phải ngăn các nước khác không được theo bước chân của Anh để bước ra khỏi liên minh. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh đang có những lo ngại trên thị trường thế giới về việc Liên minh Châu Âu “sẽ không còn có thể quản lý được” sau vụ Brexit.

Bà Merkel nhấn mạnh, đây không phải là thời điểm thích hợp để EU theo đuổi một mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa các nước thành viên của đồng tiền chung euro. Thay vào đó, EU nên hành động để giải quyết những quan ngại của người dân như bảo đảm an toàn cho các đường biên giới của liên minh, tạo công ăn việc làm và nâng cao an ninh trong nội bộ khối. Sự cải tổ, thay đổi là điều cần thiết để EU tránh kịch bản các nước lần lượt đi theo con đường Anh đã chọn.

Kể từ khi Anh quyết định “ly dị” với EU thì nước này giống như đã trở thành “tội đồ” của liên minh từng được xem là khối hợp tác thành công nhất lịch sử thế giới. Các nước hàng đầu trong EU công khai bày tỏ thái độ ghẻ lạnh và sẵn sàng có những động thái kiểu “trả thù” nước Anh. Giới lãnh đạo EU đã nhanh chóng lên tiếng cho biết, họ muốn Anh rời EU càng sớm càng tốt. Thậm chí, có vị lãnh đạo còn kêu gọi EU từ bỏ việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của EU. Chưa hết, EU cũng không ngại ngần tuyên bố, Anh nên chuẩn bị sẵn sàng với việc phải áp dụng một luật hoàn toàn khác trong cuộc chơi với EU và các nước trong EU.

Sự quay ngoắt thái độ của EU khiến Mỹ cũng phải lo ngại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua phải lên tiếng cảnh báo, 27 nước thành viên EU không nên có thái độ trả thù đối với Anh. Bản thân Thủ tướng Đức và Thủ tướng Pháp cũng đã phải lên tiếng nhắc nhở các đồng minh trong EU không nên có thái độ khó chịu, bực tức với Anh.

Thái độ của EU là hoàn toàn dễ hiểu bởi sự ra đi của Anh đang đe doạ đến sự sống còn của liên minh. Càng thúc đẩy sớm việc Anh rời khỏi EU thì liên minh này càng tránh được nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ về hiệu ứng domino.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc