Vừa sợ vừa cần Nga, NATO muối mặt làm lành?

12:51, 09/04/2016
|

(VnMedia) - Sau khi tự tuyên bố cắt đứt quan hệ với Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea, NATO mới đây lại vội vàng tìm cách làm lành với đối thủ từng được họ luôn miệng xem là mối đe dọa hàng đầu. Theo đó, NATO đã nỗ lực tìm kiếm một cuộc đối thoại chính thức với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO sẽ tổ chức một cuộc họp với Nga trong vài tuần tới. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Nga và NATO kể từ năm 2014. Cuộc họp chính thức này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ấm lên giữa Moscow với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sau một thời gian bị cắt đứt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo trong một tuyên bố rằng, cuộc họp giữa đại sứ của NATO và Nga sẽ diễn ra trong hai tuần tới tại trụ sở chính của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ở thủ đô Brussels của Bỉ.

 

Các đại sứ NATO và những người đồng cấp Nga trước đây thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhau cho đến khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy mới quan hệ giữa Moscow và NATO xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

 

Lần cuối cùng Nga và NATO gặp nhau gần đây nhất là vào tháng Sáu năm 2014 trong bối cảnh hai bên đều đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO đã rất tức giận trước vụ Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng Ba năm 2014.

 

Theo lời ông Stoltenberg, cuộc họp Nga-NATO sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine và “sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ” thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận này đã tạo ra sự yên bình mong manh ở miền đông Ukraine.

 

Nga và NATO cũng sẽ xem xét các hoạt động quân sự “với trọng tâm nhằm vào sự minh bạch và giảm thiểu nguy cơ” cũng như tình hình ở Afghanistan và "các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”, người đứng đầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cho hay.

 

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, cuộc họp sắp tới thể hiện sự tiếp nối tiến trình đối thoại mà giới lãnh đạo NATO đã nhất trí thông qua. Tuy nhiên, ông này cảnh báo, “mọi việc sẽ không trở về như bình thường cho đến khi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế".

 

Tổng thư ký Stoltenberg luôn luôn nhấn mạnh, Hội đồng Nga-NATO vẫn luôn là kênh đối thoại giữa hai bên bất chấp mối quan hệ song phương đang bị ngắt đoạn.

 

Mối quan hệ giữa Nga với NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

 

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

 

Những động thái trên của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

 

Tuy nhiên, có vẻ như sau một thời gian cắt đứt quan hệ với Nga, NATO nhận thấy điều này là không có lợi cho chính họ và họ cần sự hợp tác của Nga để giải quyết một loạt vấn đề quốc tế cấp thiết, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố, cụ thể hơn là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).


Ý kiến bạn đọc