Việt Nam hoan nghênh tuyên bố về Biển Đông của G7

08:06, 15/04/2016
|

(VnMedia) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày hôm qua (14/4), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của G7, trong đó bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ra tuyên bố trong đó có bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:

“Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng các nước công nghiệp G7 về vấn đề an ninh biển theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

Liên quan đến việc Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sông Mê Công, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:  “Thông qua kênh ngoại giao, ngày 11/4, phía Trung Quốc cho biết căn cứ vào lượng nước trên thượng nguồn cũng như an ninh điều tiết mạng lưới điện, từ ngày 11 - 20/4, phía Trung Quốc điều chỉnh xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở mức 1200m3/s. Từ ngày 21/4 đến hết mùa khô, Thủy điện Cảnh Hồng sẽ lại gia tăng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu sông Mê Công.

Trước đó, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sau khi Trung Quốc và Lào có thông báo xả nước đập thủy điện để hỗ trợ việc chống hạn và xâm nhập mặn, lượng nước trên đã về tới Việt Nam vào tuần đầu tháng 4/2016, làm gia tăng lưu lượng nước sông Mê Công và hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác cứu hạn cũng như xâm nhập mặn.

Chúng tôi đánh giá cao việc làm của phía Trung Quốc, Lào và các quốc gia liên quan trong việc phối hợp, sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công, qua đó bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan cũng như cuộc sống của thường dân ở khu vực này”.


Ý kiến bạn đọc