Vì sao nhiều "cường quốc" chuyển hướng tới Biển Đông?

13:01, 06/04/2016
|

(VnMedia) - Vì nhiều lợi ích khác nhau, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… đều quyết định tập trung sự chú ý vào Biển Đông, khu vực vốn đang bị Trung Quốc bành trướng và đe dọa thâu tóm bằng vũ lực.

Biển Đông dậy sóng

Trước hết phải nói rõ những hòn đảo và khu vực tranh chấp tại Biển Đông không có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt quá lớn như người ta vẫn lầm tưởng. Giá trị đích thực của Biển Đông đó chính là vai trò của nó trong thế giới thương mại, là tuyến đường biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á.

Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp lớn thứ hai của thế giới, vận chuyển phần lớn năng lượng nhập khẩu của các nền kinh tế châu Á và hầu hết các hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu.

Biển Đông giữ vị trí trọng yếu đối với việc di chuyển nhanh chóng các lực lượng hải quân giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Như vậy, với lợi ích quân sự lớn kể trên, bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực kiểm soát được vùng biển này sẽ có ưu thế quân sự lớn.

Công ước Quốc tế về Biển Đông
Đường "lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông

Chính vì vậy khi Trung Quốc tự vẽ lên đường 9 đoạn - lưỡi bò để độc chiếm Biển Đông, rất nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đều bày tỏ lo ngại về độ an toàn, ổn định và tự do hàng hải.

Tờ Wall Street Journal cho biết, Lầu Năm Góc đã thừa nhận họ chưa dành sự quan tâm đầy đủ đến 3 nhiệm vụ về an ninh biển tại khu vực này. Các nhiệm vụ này bao gồm: “Duy trì tự do hàng hải trên biển, ngăn chặn xung đột, dọa dẫm cũng như thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế”.

Các nhiệm vụ này được coi là đặc biệt quan trọng trên khu vực Biển Đông trong bối cảnh các báo cáo gần đây của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, các đảo nhân tạo được bồi đắp tại Biển Đông cũng như sự lấn lướt của Trung Quốc khi liên tục gây hấn với các nước có tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Indonesia…

Đó là lý do Mỹ quyết định hướng sự chú ý của mình trở lại Biển Đông để khẳng định vị thế, cam kết với đồng minh Philippines và đảm bảo tuyến hàng hải ở đây luôn thông suốt, bất chấp Trung Quốc cáo buộc Washington đang khiến khu vực trở nên căng thẳng.

Với Australia, Cách đây ít ngày, Canberra tuyên bố sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay tới Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne còn khẳng định cam kết hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự trong khu vực.

Lý giải về sự tham gia của Úc, ông Rory Medcalf - hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc cho hay, an ninh của nước này phụ thuộc rất nhiều vào trật tự khu vực.

Biển Đông với các tuyến đường biển quan trọng đối với Úc. Căng thẳng ở biển Đông thử thách quyết tâm của Mỹ, quốc gia đồng minh của Úc, vì vậy vấn đề biển Đông cũng là thách thức đối với Canberra.

Với Ấn Độ, quốc gia này muốn khẳng định vị thế là một cường quốc thế giới và đang chạy đua vào vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi hội đồng này được mở rộng. Để khẳng định vị thế cường quốc của mình, Ấn Độ cần phải thể hiện họ là một quốc gia có trách nhiệm và có ảnh hưởng đối với các vấn đề quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng đang là một điểm nóng và cũng là một khu vực quan trọng đối với thế giới. Và New Delhi thấy mình cần phải có trách nhiệm góp tiếng nói vào những tranh chấp ở đây. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang ngày càng phô trương sức mạnh khiến New Delhi lo ngại Trung Quốc đe dọa đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Vai trò của Mỹ tại Biển Đông và quan điểm của Việt Nam

Biển Đông vốn không phải là nơi Mỹ có tranh chấp, nhưng Mỹ luôn coi Biển Đông là khu vực ảnh hưởng tới lợi ích hàng hải của mình. Khi Mỹ luôn nhấn mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á thì Biển Đông chắc chắn là một trong những khu vực mà cường quốc này quan tâm.

Hơn thế, với vị trí là một cường quốc toàn cầu, Mỹ không muốn tuột mất ảnh hưởng của mình ở châu Á – Thái Bình Dương, trong khi đó Trung Quốc lại đang nổi lên với tham vọng chi phối, vươn tầm ảnh hưởng khắp khu vực, đặc biệt tại Biển Đông.

Sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc thể hiện rất rõ trong những tuyên bố cũng như bước đi của giới chức nước này. Từ Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng John Kerry đều đã lên tiếng chỉ trích về hành động hung hăng cùng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Không chỉ vậy, Mỹ còn tiến hành các hành động nhằm cụ thể hóa sự quan tâm lớn của mình ở Biển Đông như tập trận, triển khai tàu chiến tuần tra vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chính sách xuyên suốt của Mỹ là chỉ thực hiện tuần tra để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) về tự do hàng hải và tự do hàng không. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông và chỉ phản đối những yêu sách quá mức của Trung Quốc tại khu vực này.

Trong khi đó, Việt Nam cũng nêu rõ quan điểm vững chắc của mình về vấn đề Biển Đông. Theo đó, Việt Nam nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận đã ký kết với Trung Quốc, để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông.

Đây là mong muốn không chỉ của Việt Nam mà là của tất cả các bên liên quan, của các nước khác. Vì Biển Đông là tuyến đường vận tải hàng hóa huyết mạch từ Đông sang Tây.

Việt Nam cũng yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.


Ý kiến bạn đọc