Ukraine đang bị đồng minh bỏ rơi không thương tiếc?

12:32, 02/04/2016
|

(VnMedia) - 5 nước thành viên hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Áo, vừa mới đây bày tỏ rằng, thỏa thuận hợp tác giữa Ukraine và EU không nên bao gồm việc kết nạp Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của liên minh. Đây là thông tin vừa được nhà ngoại giao Pháp Pierre Vermont tiết lộ này hôm qua (1/4).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Vermont cho tờ Volkskrant biết, vấn đề kết nạp Ukraine làm thành viên chính thức của Liên minh Châu Âu đã được đưa ra bàn bạc nhiều lần trong các cuộc họp của họ nhưng những cuộc thảo luận như vậy đều diễn ra theo một kịch bản bế tắc.

"Một nhóm quốc gia bao gồm các nước Baltic, Ba Lan, Anh và Thụy Điển muốn đưa vào một điều khoản về tương lai gia nhập EU của Ukraine trong thỏa thuận hợp tác cuối cùng được ký kết”, nhà ngoại giao Pháp cho biết.

"Tuy nhiên, một nhóm nước khác gồm các thành viên hàng đầu như Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ và Áo lại phản đối ý tưởng trên. Các nước này từ chối đưa ra bất kỳ lời hứa hay cam kết nào về tương lai của Ukraine trong Liên minh Châu Âu”, ông Vermont tiết lộ thêm.

Một ngày trước đó, hôm 31/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thẳng thừng cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn cổng thông tin NU.nl rằng, nước ông chống lại việc kết nạp Ukraine làm thành viên của EU.

Theo ông Rutte, việc Ukraine có quan hệ tốt đẹp với cả EU và Nga là điều hết sức quan trọng và rằng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu Ukraine trở thành một thành viên của liên minh.

Hà Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc phê chuẩn thỏa thuận hợp tác giữa EU và Ukraine vào ngày 6/4 tới. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này chỉ mang tính tham khảo và chính phủ Hà Lan không nhất thiết phải đưa ra quyết định theo kết quả đó.

Theo ông Vermont, nếu người dân Hà Lan bỏ phiếu “không” với thỏa thuận hợp tác EU-Ukraine thì điều đó đồng nghĩa rằng thỏa thuận đó sẽ phải chia thành nhiều phần riêng rẽ. "Thỏa thuận thương mại sẽ chỉ cần đạt được đa số phiếu. Phần chính trị của thỏa thuận đòi hỏi phải có sự đồng thuận. Vì thế, nó sẽ phải được chuyển thành một hiệp ước riêng rẽ” mà Hà Lan không nhất thiết phải tham gia.

Diễn biến trên là một đòn giáng phũ phàng nhằm vào Kiev khi mà họ đã đấu tranh hết sức và đã chờ đợi cũng như đặt nhiều kỳ vọng chỉ để được gia nhập vào “gia đình” EU.

Đây không phải là lần đầu tiên Kiev bị vỡ mộng bởi các đồng minh phương Tây của họ. Trước đó, Phương Tây đã nhiều lần phớt lờ mong muốn gia nhập EU, NATO của Ukraine cũng như những lời cầu cứu của Kiev như việc cung cấp vũ khí sát thương cho họ.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine trên thực tế xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình cuối năm 2013 phản đối quyết định của Tổng thống khi đó là ông Yanukovych trong việc tạm hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev . Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập trở lại Nga. Cùng với đó, cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng chính là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đua tranh này được cho là diễn ra ngấm ngầm từ rất lâu.


Ý kiến bạn đọc