Vũ khí tự hào của Mỹ lại hóa ác mộng?

20:01, 23/03/2016
|

(VnMedia) - Lực lượng Không quân Mỹ có từ giờ đến cuối năm để tuyên bố chiếc F-35 “lắm tiếng nhiều tật” của họ có thể hoạt động. Với hạn định đang đến ngày một gần, hãng Lockheed Martin vẫn còn rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua. Trong khi đó, có những phân tích ở góc độ chuyên gia cho rằng, F-35 sẽ không thể tham gia vào một cuộc chiến thực thụ cho ít nhất đến năm 2020. Có vẻ như thứ vũ khí mà Mỹ tự hào hóa ra lại đang trở thành ác mộng đối với họ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau một số cú thụt lùi đáng xấu hổ, F-35 Lightning II đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12 năm 2006. Những cuộc thử nghiệm ban đầu đã phơi bày ra nhiều vấn đề hơn với cả phần mềm và phần cứng của máy bay. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã thúc đẩy để phát triển thêm nữa dự án.

Trước khi Không quân Mỹ có thể tuyên bố năng lực tác chiến ban đầu (IOC) cho F-35A, họ phải có được đủ một phi đội gồm ít nhất 12 chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này đồng thời các phi công của họ phải được đào tạo, huấn luyện và được trang bị để có thể thực hiện bất kỳ hay toàn bộ nhiệm vụ chiến đấu mà F-35A được giao phó.

Có một số nhân tố ngăn cản Lực lượng Không quân Mỹ đạt được mục tiêu nói trên.

Thứ nhất, tập đoàn Lockheed Martin đang chật vật tìm cách hoàn thiện hệ thống hậu cần của F-35. Trong khi nhóm phát triển của nhà thầu quốc phòng hy vọng sẽ có thể đưa hệ thống hậu cần của F-35A vào hoạt động ở mức cao nhất từ ngày 1/8 tới thì các vấn đề liên quan đến phiên bản 2.0.2 của Hệ thống Thông tin Hậu cần Tự động (ALIS) có thể trì hoãn thời hạn mục tiêu nói trên thêm 60 ngày.

Theo giám đốc dự án của Lockheed – ông Jeff Babione, các kỹ sư không thể phối hợp hệ thống ALIS với hệ thống động cơ đẩy của F-35.

"Việc chúng ta cung cấp năng lực đó cho các chiến đấu cơ của mình là cực kỳ quan trọng và chúng ta phải bảo đảm chúng ra thực hiện điều đó một cách đúng đắn. Vì thế, chúng ta cần phải có thêm thời gian. Lockheed Martin và các đối tác cần phải nỗ lực để đảm bảo chúng ta có một nền tảng chắc chắn có thể đưa năng lực của động cơ đẩy lên mức cao nhất”, ông Babione cho biết.

Phần mềm Block 3i của máy bay cũng là một vấn đề khác mà F-35A đang phải đối mặt. Một lỗi máy tính đã gây ra cái mà các kỹ sư miêu tả là hiệu ứng “gây ghẽn”. Hiệu ứng này khiến các hệ thống của máy bay phải được khởi động lại một cách định kỳ. Trong khi các nhóm làm việc của tập đoàn Lockheed tuyên bố là đang phát triển một phiên bản nâng cấp của phền mềm nói trên nhưng nó cũng chưa được đưa vào thử nghiệm.

"Chúng tôi đã có một số chỉnh sửa cho những vấn đề mà chúng tôi phát hiện trong lần thử nghiệm bay trước đó, vì thế chúng tôi đang hồi chợp chờ xem nó hoạt động như thế nào và liệu chúng tôi có bảo đảm được sự ổn định cần thiết cho hệ thống để có thể đạt được IOC hay vẫn có những vấn đề đòi hỏi nỗ lực thêm nữa của chúng tôi", ông Orlando Carvalho – Phó Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về hàng không của tập đoàn Lockheed, cho biết.

Ngoài ra, người ta vẫn chưa rõ liệu những năng lực “thông minh” của F-35 đã đạt đến khả năng hoạt động ở mức cao nhất hay chưa.

Theo tiết lộ của giới chức quân sự Mỹ, các nhà phát triển máy bay F-35 còn đang gặp một số vấn đề liên quan đến việc phát triển phần mềm cho các bộ phận cảm biến của máy bay cũng như hệ thống máy tính chính trên máy bay.

Chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 tính đến nay đã gặp không ít những trục trặc và đã bị đội chi phí lên rất nhiều. Điều này đã đẩy chi phí cho toàn bộ dự án ước tính lên tới 1,5 nghìn tỉ USD trong vòng đời 55 năm của nó. Kết quả là F-35 đã trở thành dự án vũ khí đắt đỏ nhất từ trước đến nay của siêu cường Mỹ.

Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.

Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.

Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.


Ý kiến bạn đọc