Trung Quốc "nín thở" chờ tin cuộc họp của Mỹ-Hàn

17:00, 04/03/2016
|

(VnMedia) - Seoul và Washington hôm nay (4/3) sẽ tiến hành cuộc đàm phán công khai về khả năng triển khai hệ thống phóng thủ tên lửa tinh vi và tối tân THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Đây là kế hoạch mà Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố là nhằm để đối phó với mối đe doạ ngày càng tăng lên từ phía Triều Tiên nhưng nó lại khiến Trung Quốc lo sợ đến “mất ăn mất ngủ”.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, những cuộc đàm phán đầu tiên giữa họ với Mỹ sẽ tập trung vào bàn bạc nội dung về những vị trí tiềm năng trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể được lựa chọn làm nơi triển khai hệ thống THAAD cũng như vấn đề chia sẻ chi phí và kế hoạch thời gian cụ thể cho việc triển khai.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Mỹ từ lâu đã rất muốn đưa hệ thống tinh vi THAAD của họ đến triển khai trên lãnh thổ của nước đồng minh Hàn Quốc với lý do để đối phó với Triều Tiên nhưng thực tế có nhằm mục tiêu vào cả Trung Quốc. Trước đây, Hàn Quốc thường chần chừ, né tránh chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Trung Quốc vốn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau khi Triều Tiên có sự thách thức cao độ bằng việc liên tiếp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 vào tháng 1 vừa rồi và phóng tên lửa đạn đạo tầm xa vào tháng 2 sau đó.

Những diễn biến trên thúc đẩy Hàn Quốc thay đổi lập trường, quyết tâm tiến hành các cuộc đàm phán với đồng minh Mỹ để triển khai kế hoạch đưa THAAD đến lãnh thổ của họ.

Seoul và Washington đã thông báo ý định khởi động tiến trình đàm phán chính thức về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sau khi Bình Nhưỡng đẩy tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào qua vụ phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2.

Trung Quốc sôi sục, Hàn Quốc phớt lờ

Ngay khi thông tin về việc Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị bàn bạc về khả năng triển khai THAAD được tung ra, Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng. Bắc Kinh đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh về viễn cảnh kế hoạch triển khai THAAD sẽ “phá huỷ” mối quan hệ Trung-Hàn.

Bắc Kinh xem hệ thống THAAD là một mối đe doạ đối với sự hiệu quả trong khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh đưa ra lập luận rằng, hệ thống THAAD được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể được sử dụng để giám sát những vụ phóng tên lửa của Trung Quốc ở sâu trong nội địa nước này, đến tận vùng Xian ở tây bắc.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay nhấn mạnh, bất kỳ hoạt động triển khai THAAD nào trên lãnh thổ của họ đều chỉ nhằm duy nhất vào mục tiêu đối phó với “mối đe doạ ngày càng tăng lên từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.

"Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa, thách thức và khiêu khích Hàn Quốc cũng như các nỗ lực răn đe của cộng đồng quốc tế", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.

Bất chấp lời khẳng định trên của Seoul, Trung Quốc vẫn sôi sục trước khả năng một hệ thống THAAD được đặt trên lãnh thổ của Hàn Quốc.

Hệ thống THAAD mà Mỹ muốn triển khai ở Hàn Quốc sẽ cho phép nước này nhằm mục tiêu vào Trung Quốc, cựu chỉ huy các chiến dịch của hải quân Mỹ và là cố vấn chính sách của Mỹ - ông Theodore Postol cho hay.

Trung Quốc biết rõ sức mạnh và khả năng của THAAD nên nước này kiên quyết phản đối kế hoạch nói trên, ông Postol – Giáo sư về khoa học, công nghệ và chính sách an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, giải thích.

"THAAD sẽ không thể bảo vệ Hàn Quốc trước các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhưng hệ thống radar của THAAD thay vào đó có thể được Mỹ sử dụng để nhằm thẳng vào Trung Quốc", ông Postol hôm qua (3/3) nhận định.

"Nếu Mỹ triển khai radar cho hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên, hệ thống này sẽ có thể phát hiện và truy theo các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng đi từ Trung Quốc nhằm vào lục địa Mỹ ở tầm bắn lên tới 3.000km", giáo sư Postol nói thêm.

Diễn biến liên quan đến kế hoạch triển khai THAAD là một “đòn rất đau” mà Bắc Kinh phải đón nhận từ đồng minh thân thiết nhất là Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã khiêu khích Mỹ và Hàn Quốc đến mức đồng minh Trung Quốc của họ phải trả giá. Đây là lý do khiến Bắc Kinh tức giận với Triều Tiên, ủng hộ mạnh mẽ cho việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào Bình Nhưỡng.


Ý kiến bạn đọc