Tàu Trung Quốc "ngạo mạn", gây đụng độ ở Biển Đông?

07:15, 21/03/2016
|

(VnMedia) - Indonesia sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đến sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa các tàu của hai nước ở Biển Đông, một bộ trưởng Indonesia hôm qua (20/3) cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ việc xảy ra hôm 19/3, khi các tàu giám sát của Indonesia đuổi theo và bắt giữ một tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải gần quần đảo Natuna của Indonesia, Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia - bà Susi Pudjiastuti cho hay.

Khi tàu cá Trung Quốc đang bị Indonesia kéo đi thì một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đến tiếp cận và can thiệp. Tiếp đó, thêm một tàu lớn hơn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đến “tiếp ứng” và Indonesia đã quyết định để tàu cá của Trung Quốc lại, nữ Bộ trưởng Pudjiastuti cho biết.

"Chúng tôi tôn trọng một nước lớn như Trung Quốc và Trung Quốc cũng nên tôn trọng chủ quyền của Indonesia cũng như tôn trọng thực tế rằng chúng tôi đang có cuộc chiến chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép”, bà Pudjiastuti đã nói như vậy với các phóng viên.

Nữ Bộ trưởng Ngư nghiệp kêu gọi Bộ Ngoại giao Philippines hãy “phản đối mạnh mẽ” sự “ngạo mạn” của các tàu Trung Quốc.

Bộ Ngư nghiệp Indonesia cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Jakarta đến để phản đối. "Điều chúng tôi muốn hỏi Đại sứ Trung Quốc là nếu họ nói đường 9 đoạn của họ không gồm Natuna thì tại sao vẫn có những hành động đánh bắt cá trái phép xảy ra ở đó. Chính phủ của họ không nên đứng đằng sau hậu thuẫn cho các hoạt động đánh bắt cá trái phép”, bà Pudjiastuti gay gắt chỉ trích.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia ở Jakarta - Edi Yusuf cho biết, bộ này cũng sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến một khi nhận được đầy đủ thông tin chi tiết hơn về vụ đụng độ hôm thứ Bảy.

Đại sứ Trung Quốc hiện tại không có mặt ở thủ đô Jakarta, vì thế người được triệu tập sẽ là đại biện lâm thời.

Bộ trưởng Pudjiastuti cho hay, bà tin rằng các tàu của Lực lượng Bảo vệ Trung Quốc cố tình chặn không để cho tàu đánh cá của họ bị kéo đi nhằm ngăn chặn nó bị đánh chìm.

Từ khi đảm nhiệm vị trí là Bộ trưởng Ngư nghiệp năm 2014, bà Pudjiastuti đã thực hiện một chiến dịch đàn áp mạnh tay các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, cho nổ hoặc đánh chìm nhiều tàu nước ngoài bị họ bắt giữ.

Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc như các nước Châu Á khác. Tuy nhiên, Jakarta phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc - một yêu sách đòi chủ quyền đến gần như toàn bộ Biển Đông. Đường 9 đoạn của Trung Quốc chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở xung quanh Natuna - một dãy đảo có rất nhiều nguồn cá nằm ở vùng cận tây bắc của Indonesia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố được gửi cho báo chí đã nói, tàu cá của họ đang thực hiện “các hoạt động bình thường” ở “ngư trường đánh cá truyền thống của Trung Quốc”.

"Hôm 19/3, sau khi tàu cá của chúng tôi bị tấn công và quấy rối bởi một tàu vũ trang của Indonesia, một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã đến để giúp đỡ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích.

"Phía Trung Quốc ngay lập tức đòi phía Indonesia thả ngay những ngư dân bị bắt giữ và đảm bảo an toàn cho họ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm. Trung Quốc hy vọng Indonesia có thể “xử lý đúng đắn” vấn đề.

Chưa rõ mọi việc thế nào nhưng tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị các nước láng giềng tố cáo và bắt giữ vì những hành động đánh bắt cá trái phép. Thậm chí, ngay cả Triều Tiên cũng rất nhiều lần bắt giữ tàu cá Trung Quốc vì xâm phạm lãnh hải của họ. Mới đây nhất, Argentina còn thẳng thừng bắn chìm tàu cá của Trung Quốc vì xâm phạm lãnh hải của họ.


Ý kiến bạn đọc