Nga bất ngờ giang tay cứu Triều Tiên?

08:04, 03/03/2016
|

(VnMedia) - Hôm qua (2/3), cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một nghị quyết nhằm trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mới nhất đã bị trì hoãn lại theo đề nghị của Nga.

Sự trì hoãn diễn ra sau khi Nga muốn có một vài sự thay đổi trong bản phác thảo do Mỹ và Trung Quốc đưa lên. Thông tin trên khiến người ta đặt câu hỏi phải chăng Nga đang muốn giang tay cứu Triều Tiên trong bối cảnh nước này bị đồng minh thân nhất là Trung Quốc quay lưng?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuần trước, Mỹ đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên một bản nghị quyết phác thảo, trong đó vạch ra những biện pháp trừng phạt hà khắc hơn rất nhiều nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa hôm 7/2 của nước này. Những biện pháp trừng phạt mới được miêu tả là chế độ trừng phạt mạnh tay nhất, hà khắc nhất mà Liên Hợp Quốc đưa ra áp dụng trong 2 thập kỷ qua.

Cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ban đầu dự kiến diễn ra vào chiều hôm thứ Ba (1/3) nhưng sau lại bị lùi vào 10h sáng ngày hôm qua (2/3) theo giờ địa phương (tức 22h tối qua theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, cuộc bỏ phiếu một lần nữa lại bị hoãn lại sau khi “Nga thực hiện luật xem xét nghị quyết trong 24 giờ”.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly Churkin cho các phóng viên biết, “đó là một nghị quyết cần thiết và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải thông qua bởi những thách thức nhất định từ Triều Tiên. Chúng tôi có một vài vấn đề cần quan tâm và cần thảo luận về chúng với phái đoàn Mỹ. Tôi cho rằng những vấn đề đó gây một số quan ngại nhất định cho chúng tôi".

Sau gần 2 tháng thảo luận song phương, trong đó có cả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Washington đã ủng hộ việc đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay khác thường đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Triều Tiên đã phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 vì 4 vụ thử hạt nhân và rất nhiều vụ phóng tên lửa.

Các biện pháp trừng phạt mới nếu được thông qua sẽ đòi hỏi mọi chuyến hàng ra vào Triều Tiên phải bị kiểm tra đồng thời đưa những người Triều Tiên đang hoạt động ở Syria, Iran và Việt Nam vào danh sách đen.

Washington muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết này từ cuối tuần trước nhưng Nga yêu cầu cần thêm thời gian để nghiên cứu.

Triều Tiên vốn có mối quan hệ rất tốt đẹp với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc bắt đầu có nhiều dấu hiệu cho thấy, họ đã hết kiên nhẫn với đồng minh thân nhất của mình.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Trong những lần thử hạt nhân và tên lửa trước, Bắc Kinh thường tìm cách tránh làm đồng minh Bình Nhưỡng tức giận.

Tuy nhiên, lần này mọi việc đã khác hẳn. Bắc Kinh đã thay đổi lập trường khi Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi hôm 12/2 lên tiếng kêu gọi trừng phạt mạnh tay đối với đồng minh Triều Tiên. Trả lời cuộc phóng vấn ở Munich khi đó, Ngoại trưởng Wang đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nói rằng, đã đến lúc phải đưa ra một nghị quyết “mạnh” để xử lý Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân và tên lửa mới nhất.

"Chúng tôi ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện những bước đi thêm nữa và thông qua một nghị quyết mới để Triều Tiên phải trả cái giá cần thiết cũng như cho họ thấy hậu quả mà họ phải hứng chịu vì những hành vi của mình”, Ngoại trưởng Trung Quốc đã phát biểu đầy cứng rắn như vậy về đồng minh Triều Tiên.

Và mới đây nhất, Trung Quốc đã nhất trí với Mỹ – nước được xem là kẻ thù số 1 của Triều Tiên, về các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Nga vẫn có lập trường cứng rắn hơn Trung Quốc về Triều Tiên nhưng không rõ liệu lần này mọi việc có khác đi hay không.


Ý kiến bạn đọc