Bỉ trở thành mảnh đất tuyển quân "màu mỡ" của IS

14:38, 24/03/2016
|

(VnMedia) - Quốc gia châu Âu này vốn nổi tiếng với những thành phố cổ kính, những loại chocolate hảo hạng và nơi đặt trụ sở của những tổ chức quốc tế. Thế nhưng chính Bỉ lại đang trở thành cái nôi tuyển quân đầy màu mỡ cho các tổ chức khủng bố khét tiếng.

Thủ đô Brussels vừa phải hứng chịu một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu diễn ra tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm trung tâm. Vụ tấn công liên hoàn đã khiến 31 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.

Quang cảnh sân bay bị đánh bom
Quang cảnh sân bay Zaventem sau vụ đánh bom

“Trái tim của châu Âu” đã phải trả giá đắt cho những sơ hở trong công tác an ninh, thờ ơ và chủ quan trước những dấu hiệu được cảnh báo. Bên cạnh đó, giới chức an ninh Mỹ cũng gióng hồi chuông cảnh tỉnh Bỉ về nguy cơ trở thành mảnh đất tiềm năng để chính các nhóm khủng bố bám rễ và reo rắc nỗi kinh hoàng tới các quốc gia châu Âu.

Bất lực với việc IS tuyển quân

Phóng viên của CNN đã tới Molenbeek, một quận ngoại ô thành phố Brussels với 90.000 dân trong đó 80% là người theo đạo Hồi. Đây là khu vực tập trung phần lớn dân lao động phổ thông và nổi tiếng với “khu chợ đen” buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Tìm cách dò hỏi và làm quen nhưng phần lớn các câu hỏi của phóng viên đều bị từ chối. Theo một số người, họ bị những phần tử Hồi giáo cực đoan đe dọa không được tiếp xúc và cung cấp thông tin cho giới truyền thông. Thậm chí ngay cả cảnh sát địa phương cũng không thể nắm vững thông tin về khu vực này.

Mới đây, giới chức Bỉ thừa nhận họ không có cách nào ngăn cản làn sóng người dân, phần lớn từ quận Molenbeek ra nước ngoài và gia nhập các tổ chức khủng bố như IS. Với bình quân dân số của mình, Bỉ là quốc gia có số người gia nhập các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Syria lớn nhất châu Âu. Kể từ năm 2012 tới nay, có khoảng 500 người đã rời Bỉ để tới tham chiến tại Iraq và Syria. Chỉ có khoảng 100 người vì nhiều lý do đã hồi hương nhưng bị bắt giữ ngay sau đó.

Tuy nhiên, khi phóng viên CNN tiếp cận một số nguồn tin, tất cả đều chỉ ra rằng không ai biết chính xác số lượng người xuất cảnh và trở về Bỉ trong nhiều năm qua. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn cho khu vực châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon cho biết công tác chống khủng bố đang phát huy hiệu quả tại Bỉ, nhưng ông cũng thừa nhận chưa thể ngăn chặn được việc IS tuyển quân. “Chúng tôi biết việc tuyển quân của các nhóm khủng bố vẫn đang diễn ra tại Bỉ nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với 2 năm trước. Để ngăn chặn và tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm là không hề dễ dàng. Vì bạn biết đấy chúng có thể thực hiện hành vi lôi kéo của mình trong một căn phòng nhỏ ở bất cứ ngôi nhà nào”.

Đối xử bất công và vô cảm

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc nhiều công dân Bỉ quyết định gia nhập các tổ chức cực đoan, phóng viên CNN đã có cuộc phỏng vấn 2 người dân nơi đây. Một người giấu tên tự nhận là Ali khẳng định chính việc phân biệt đối xử và thiếu cơ hội việc làm đã đẩy ngày càng nhiều người gốc Hồi giáo rời khỏi Bỉ.

Anis thiệt mạng tại Syria
Anis thiệt mạng tại Syria

Điều nghiêm trọng hơn cả những đối tượng này phần lớn là thanh niên. Họ có cảm giác không được thừa nhận ngay chính trên mảnh đất của mình. Lợi dụng sự thất vọng và bất mãn của những người này, các tổ chức khủng bố đã lợi dụng để lôi kéo “nạn nhân”.

“Nhà nước Bỉ đã từ chối tiếp nhận trẻ em và thanh niên Hồi giáo. Họ nói rằng đó là những người nước ngoài nhập cư và coi đó như những kẻ vô dụng. Tại sao phải tạo công ăn việc làm cho chúng? Bị đối xử như vậy, những người trẻ tuổi đều khao khát muốn tới Syria để chứng minh rằng chúng hoàn toàn hữu ích”, anh Ali nói.

Cũng theo anh Ali, lực lượng an ninh Bỉ thậm chí còn không hề có ý định ngăn cản những người này tới Syria dù họ hoàn toàn nắm được thông tin. “Họ rất muốn đẩy các thanh niên Hồi giáo khỏi Bỉ nên cứ lờ đi như không hề hay biết ý định ra nước ngoài của những người này”.

Bản thân Ali cũng có 2 người em gia nhập một tổ chức cực đoan tại Syria và một người đã thiệt mạng. Theo anh, người thân của mình phải chịu trách nhiệm chính nhưng mọi chuyện có lẽ đã khác nếu Chính phủ Bỉ không quá thờ ơ với vấn đề này.

Người thứ hai được CNN tiếp cận là bà Henneghien, có con trai duy nhất tên Anis đã rời khỏi Bỉ năm 2014 để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một năm sau, Anis đã thiệt mạng tại Syria.

Nói về cái chết của con mình, bà Henneghien đã quy trách nhiệm cho an ninh Bỉ. “2 tuần trước khi Anis rời Bỉ, tôi đã báo cảnh sát cũng như thời điểm đích xác nó sẽ đáp chuyến bay tới Syria. Thế nhưng họ không có bất cứ động thái gì để ngăn cản nó”, bà Henneghien cho biết.

Lo lắng Anis có thể gia nhập tổ chức khủng bố, một thẩm phán địa phương đã đưa chàng trai mới 18 tuổi này vào danh sách cần theo dõi. Thế nhưng Anis vẫn xoay sở để xuất cảnh được tới Syria.

“Ngày Anis rời Bỉ, tôi lại đi báo cảnh sát và một lần nữa họ coi đó như chẳng phải vấn đề gì to tát. Đại diện cảnh sát nói với tôi rằng, con trai của bà đã trưởng thành. Chúng tôi chẳng thể làm được gì để ngăn cản cậu ấy. Anis có quyền đi bất cứ đâu và bất cứ khi nào”, bà Henneghien thuật lại.

Phản ứng tiêu cực của an ninh Bỉ

Bà Henneghien thẳng thừng cho rằng, giới chức Bỉ chỉ muốn tống khứ những thanh niên trẻ Hồi giáo nhập cư khỏi lãnh thổ của mình. “Thông điệp của họ rất rõ ràng. Cứ ra đi thoải mái nhưng đừng mong ngày trở về. Nếu muốn trở về Bỉ, nơi ở của họ sẽ là nhà tù chứ không phải căn nhà với người thân”.

Đặc nhiệm Bỉ khám xét một người bị tình nghi khủng bố
Đặc nhiệm Bỉ khám xét một người bị tình nghi khủng bố

Với anh Ali, một trong hai người em của anh sau đó đã trở về và ngay lập tức bị bắt giam để thẩm vấn. Điều đáng nói là cách thức hành xử của an ninh Bỉ đối với toàn bộ gia đình của anh Ali.

“Lực lượng chống khủng bố ập vào khám xét nhưng chẳng hề tìm thấy bất cứ thứ gì nguy hiểm như thuốc nổ, súng. Thế nhưng họ vẫn đối xử với toàn bộ gia đình chúng tôi như những kẻ tội phạm”.

Anh Ali khẳng định, những hành động mạnh tay như vậy không đem lại hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng. “Hành động của lực lượng an ninh chỉ khiến chúng tôi thêm căm ghét họ”.

Còn anh Yassine Boubout, một sinh viên Bỉ thì cho biết đã phải trả qua nhiều giờ trong phòng giam và đối mặt với nỗi sợ lớn nhất trong đời chỉ vì…. có gương mặt giống 1 kẻ khủng bố!

“Khi tôi đang đi mua suất ăn trưa thì bất ngờ bị chĩa thẳng súng vào mắt. Họ bắt tôi quỳ xuống, không được cử động. Tôi chỉ sợ rằng bất cứ một hành động sơ suất nào của mình vào lúc đó có thể sẽ phải trả giá bằng một loạt đạn”, Boubout nói.

Chàng sinh viên 18 tuổi này sau đó đã bị giam trong hơn 3 giờ đồng hồ trước khi được thả tự do. “Tôi không rõ vì sao bị bắt cho tới khi nhận được thông báo 1 tuần sau đó. Nội dung thông báo cho biết, tôi có nhận dạng giống với 1 tên khủng bố đang bị truy nã và như vậy là đủ để tôi bị tạm giam”, Boubout nói.


Ý kiến bạn đọc