Rùng mình trước sự tàn độc của IS phiên bản hai

14:41, 01/02/2016
|

(VnMedia) - Một nhân chứng sống sót nấp trên cây cho biết, anh đã tận mắt chứng kiến những tên khủng bố thuộc tổ chức Boko Haram ném bom xăng vào hàng loạt túp lều và nghe tiếng hét như xé vải của những em bé bị thiêu sống đến chết.

Đó là những nạn nhân nằm trong số 86 người vừa bị nhóm Boko Haram thảm sát một cách tàn độc trong cuộc tấn công mới nhất của chúng.

Hiện trường sau vụ tấn công kinh hoàng của nhóm khủng bố Boko Haram
Hiện trường sau vụ tấn công kinh hoàng của nhóm khủng bố Boko Haram

Hàng chục thi thể cháy đen và những thi thể chi chít vết đạn nằm rải rác khắp các con đường ở ngôi làng Dalori và hai khu nhà dành cho 25.000 người tị nạn gần đó sau khi lực lượng chiến binh khủng bố thuộc Boko Haram tấn công vào những nơi này tối hôm thứ Bảy (30/1). Đây là thông tin do các nhân chứng sống sót và lực lượng binh sĩ có mặt tại hiện trường cho biết. Những khu vực hứng chịu trận tấn công nói trên chỉ cách 5km so với Maiduguri – nơi sinh ra nhóm Boko Haram tàn độc và cũng là thành phố lớn nhất ở đông bắc Nigeria.

3 tên khủng bố đánh bom tự sát của nhóm Boko Haram đã xả súng điên cuồng, giết chóc, đốt phá và gây ra hàng loạt vụ nổ trong cuộc tấn công kéo dài đến gần 4 giờ đồng hồ ở khu vực chẳng có ai bảo vệ, nhân chứng sống sót có tên alf Alamin Bakura cho biết qua đường dây điện thoại. Theo lời Bakura, nhiều thành viên trong gia đình của anh đã bị giết chết hoặc bị thương.

Bạo lực tiếp tục xảy ra khi 3 nữ chiến binh khủng bố đánh bom tự sát cho nổ tung mình ở giữa những người dân đang tìm cách tháo chạy đến ngôi làng Gamori gần đó. Loạt vụ nổ này khiến nhiều người thiệt mạng, một binh sĩ giấu tên có mặt tại hiện trường kể lại.

Binh sĩ Nigeria đã được huy động đến làng Dalori lúc khoảng 8h40 tối thứ Bảy (30/1) nhưng không thể trấn áp được những kẻ tấn công được trang bị vũ khí tốt hơn, binh sĩ giấu tên nói trên tiết lộ với báo giới. Lực lượng chiến binh Boko Haram chỉ rút đi sau khi quân đội được tăng viện và các binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nặng hơn.

Các phóng viên đã đến tiếp cận hiện trường vụ thảm sát ngày hôm qua (31/1) và đã nói chuyện với các nhân chứng còn sống sót. Họ đều thanh phiền rằng, phải mất quá lâu mới có quân đội từ trụ sở ở Maiduguri gần đó đến trợ giúp cho người dân chống lại nhóm Boko Haram. Người dân ở đây cũng nói rằng, họ lo ngại sẽ phải hứng chịu một trận tấn công khác.

Tính đến chiều qua, các lực lượng chức năng đã thu thập được thi thể của 86 nạn nhân, ông Mohammed Kanar – điều phối viên khu vực thuộc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia, cho hay. Ngoài 86 nạn nhân trên, còn có 62 người đang được điều trị vì bị bỏng, ông Abba Musa thuộc Bệnh viện Chuyên khoa Quốc gia ở Maiduguri cho hay.

Boko Haram được xem là phiên bản thứ hai của nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Năm 2014, thế giới chứng kiến sự nổi lên đáng sợ của IS. Trong khi cộng đồng quốc tế còn chưa hết choáng váng về mức độ tàn bạo của nhóm khủng bố được xem là khét tiếng nhất thế giới hiện nay này thì một IS thứ hai ra đời với mức độ tàn độc đến tận cùng. Có lẽ, chưa bao giờ người ta cảm nhận được mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với thế giới lại khủng khiếp đến vậy.

Cái tên Boko Haram giờ đây không còn xa lạ với cộng đồng thế giới mà thay vào đó, nhắc đến hai từ này người ta không khỏi giật mình kinh hãi. Boko Haram đang phát triển từ một nhóm khủng bố quy mô nhỏ thành một “quốc gia nhỏ” với lãnh thổ riêng, giống với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được thành lập ở vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Iraq và Syria. Boko Haram hiện tại đang kiểm soát một khu vực lãnh thổ ở Nigeria có diện tích rộng ngang bằng cả đất nước Costa Rica hoặc Slovakia.

Theo ước tính của tờ The Telegraph của Anh, lãnh thổ mà nhóm Boko Haram chiếm đóng rộng khoảng 52.000 km vuông. Một trong những thành phố mới nhất bị nhóm Boko Haram chiếm đóng là bang phía bắc Borno của Nigeria, gần với Lake Chad.

Lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan Boko Haram hiện đang nắm quyền kiểm soát 11 khu vực với hơn 1,7 triệu dân. Lãnh thổ của chúng trài dải từ Rặng núi Mandara nằm trên khu vực biên giới phía đông với Cameroon đến Hồ Chad ở phía bắc và Sông Yedseram ở phía tây.

Nhóm Boko Haram dường nhưng đang sao chép đúng phiên bản của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Phiên bản IS thứ hai tàn độc không kém, nếu không nói là còn còn khủng khiếp hơn phiên bản gốc. Theo các nhân chứng cho biết, các chiến binh thuộc Boko Haram đã giết hại ít nhất 2.000 người trong cuộc tấn công vào bang Borno hồi năm ngoái mặc dù quân đội Nigeria chỉ đưa ra con số là 150 nạn nhân. Tổ chức Ân xá Quốc tếcho biết, cuộc tấn công của nhóm Boko Haram vào bang Borno là cuộc tấn công đẫm máu nhất, tàn khốc nhất mà nhóm khủng bố này thực hiện kể từ khi chúng nổi lên năm 2009.

Một nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát đẫm máu của Boko Haram chưa hết bàng hoàng cho biết: “Trong suốt đoạn đường kéo dài 5km, tôi liên tục dẫm phải các thi thể người cho đến khi tôi trốn được đến ngôi làng Malam Karanti gần Baga. Nơi này cũng đã bị đốt cháy trụi và bị bỏ hoang”.

Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Washington công bố một con số đáng sợ là riêng trong năm 2014, nhóm Boko Haram đã giết hại hơn 10.000 người và khiến hơn 1 triệu người Nigeria phải rời bỏ nhà cửa.

Mức độ tàn độc của nhóm Boko Haram còn thể hiện ở việc chúng thẳng tay giết chóc dân thường, trẻ không thương, già không tha. Một nhân chứng chứng kiến tận mắt cuộc tấn công của nhóm Boko Haram vào Baga trên bờ Hồ Chad, phía đông bắc Nigeria, đã kể lại rằng, người phụ nữ đã bị các tay súng của Boko Haram bắn chết một cách thảm thương bởi những viên đạn lạnh lùng khi đang lâm bồn và đứa con nhỏ của cô còn chưa kịp cất tiếng khóc chào.


Ý kiến bạn đọc