Nga "chèo kéo" tìm cách "bù đắp" thương vụ Mistral

18:56, 29/02/2016
|

(VnMedia) - Nga đã thảo luận với Ai Cập về chi tiết của hợp đồng cung cấp hệ thống điều khiển và thông tin lên lạc cho tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Đó là thông tin vừa được một đại diện của Tập đoạn Sản xuất Linh kiện Thống nhất của Nga (UIMC), đơn vị chế tạo hệ thống trên đưa ra hôm nay (29/2).

“Các cuộc đàm phán đang được tiến hành liên quan tới việc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga cung cấp cho Ai Cập lô hệ thống điểu khiển và thông tin liên lạc lắp đặt trên tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral”, đại diện của tập đoàn UIMC cho biết.

“Tàu Mistral nhiều khả năng sẽ được trang bị thiết bị của Nga, tuy nhiên đến nay chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Chi tiết của hợp đồng đang được đàm phán”, ông cho biết thêm.

Được biết, các thiết bị của Nga trên hai tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral có trị giá lên tới 10 triệu USD. Công tác tháo gỡ các thiết bị của Nga lắp đặt trên 2 tàu chiến Mistral đã được hoàn tất vào ngày 23/11/2015. 

Bên cạnh đó, Nga còn có thể sẽ cung cấp cho Hải quân Ai Cập lô trực thăng mà nước này trước đó chế tạo cho tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral trước cuối năm 2017.

“Nếu hợp đồng được ký kết vào đầu năm 2016, lô trực thăng nói trên có thể được bàn giao vào cuối năm 2017. Các cuộc thương thảo đã bắt đầu được tiến hành”, một quan chức cấp cao thuộc Tập đoàn Kỹ thuật Quân sự của Nga cho biết.

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11/2014 trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đổ vỡ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hồi đầu tháng 8/2015, cả Nga và Pháp đều lên tiếng khẳng định, họ đã chính thức đưa ra “phán quyết” cuối cùng cho số phận của hợp đồng tàu chiến đình đám mang tên Mistral. Pháp cho biết, họ đã đồng ý với thỏa thuận bồi thường cho Nga vì không bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến tối tấn lớp Mistral vì cuộc khủng hoảng Ukraine . Điều này đồng nghĩa với việc cuộc tranh cãi về ngoại giao, thương mại và chính trị xung quanh hợp đồng vũ khí giữa Nga và Pháp kéo dài suốt nhiều tháng qua đã chính thức đóng lại.

Hơn hai tháng sau đó, vào ngày 10/10/2015, Ai Cập đã ký kết một hợp đồng mua lại 2 tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral, vốn được chế tạo cho Nga từ Pháp. Theo tiết lộ của Điện Elysee, Ai Cập đã nhất trí trả cho Pháp khoản tiền trị giá lên tới gần 1,5 tỷ USD để sở hữu hai tàu chiến này. Mỗi tàu chiến lớp Mistral có thể chở 16 trực thăng, 4 máy bay đổ bộ và 13 xe tăng.  Lô tàu trực thăng đổ bộ này dự kiến sẽ tới Ai Cập vào giữa năm 2016.

Tuy nhiên, việc Pháp bán lại tàu chiến Mistral cho Ai Cập lại hoàn toàn nằm trong ý định và mong muốn của Nga, bởi chính Nga là phía giới thiệu cho Pháp khách hàng tiềm năng này.  Mặc dù thảm bại trong hợp đồng tàu chiến Mistral với Pháp, nhưng đổi lại, khi Ai Cập đã ký hợp đồng mua lại 2 con tàu chiến trên, Nga vẫn có cơ hội kiếm “món hời” lớn từ nếu thương vụ bán trực thăng Ka-52 và cả các thiết bị trên tàu Mistral cho “kẻ thế thân” này “thuận buồm xuôi gió.

Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.


Ý kiến bạn đọc