Trung Quốc hầm hè đe doạ láng giềng ở Biển Đông

09:34, 19/01/2016
|

(VnMedia) - Giới chức Philippines hôm qua (18/1) cho biết, họ đã nhận được hai lời cảnh báo đe doạ qua hệ thống điện đàm từ Hải quân Trung Quốc, khi một chiếc máy bay Cessna của họ bay gần một hòn đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Một nhóm thanh niên Philippines cắm trại trên đảo Thị Tứ để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một nhóm thanh niên Philippines cắm trại trên đảo Thị Tứ để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Eric Apolonio, vụ việc xảy ra vào ngày 7/1 khi ông cùng các nhân viên của Cục Hàng không Dân sự thực hiện một chuyến bay đến một hòn đảo ở Biển Đông để tiến hành khảo sát về kỹ thuật, nhằm chuẩn bị cho việc lắp đặt thiết bị an toàn hàng không dân sự trên hòn đảo này.

Hòn đảo mà Manila nhắc đến là đảo Thị Tứ. Đây là nơi đang có một cộng đồng đánh cá nhỏ và các binh lính Philippines sinh sống. Đảo Thị Tứ nằm gần với bãi đá Subi - một trong 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc trong 2 năm qua đang biến thành những hòn đảo nhân tạo bằng việc cải tạo, bồi đắp trái phép. Quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở đây một cách nghiêm trọng.

Khi chiếc máy bay Cessna của Philippines tiến gần đến đảo Thị Tứ, ông Apolonio cho biết, họ đã nhận được qua hệ thống điện đàm khẩn cấp lời cảnh báo: "Máy bay quân sự nước ngoài, đây là Hải quân Trung Quốc. Các bạn đang đe doạ an ninh của trạm chúng tôi”.

Các phi công Philippines đã phớt lờ lời cảnh báo trên và tiếp tục chuyến đi. Sau khi hoàn thành chuyến khảo sát, máy bay Philippines rời đi và tiếp tục nhận được lời cảnh báo tương tự từ Hải quân Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy bị đe doạ, ông Apolonio cho hay, chúng tôi rất sợ bởi “bạn sẽ không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi có thể bị bắn”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila chưa đưa ra lời bình luận gì về diễn biến trên.

Thị trưởng Eugenio Bito-onon - người đứng đầu cộng đồng đang sống ở đảo Thị Tứ có mặt trên đoàn bay của Philippines, nói rằng hành động cảnh báo qua hệ thống điện đàm thực sự là một sự doạ dẫm, nó đe doạ sự tự do hàng hải, tự do bay qua  bầu trời trong khu vực. Theo lời ông Bito-onon, các máy bay quân sự và dân sự khác cũng đều bị Trung Quốc xua đuổi trong khu vực.

Bất chấp lời cảnh báo của Trung Quốc, ông Apolonio cho biết, chính phủ Philippines sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch lắp đặt thiết bị hàng không trên đảo. Đây là hoạt động được yêu cầu bởi Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế nhằm giúp đảm bảo an toàn cho các chuyến bay thương mại.

Đại sứ Anh tại thủ đô Manila - ông Asif Ahmad cho biết chính phủ Anh sẽ phản đối bất kỳ động thái nào nhằm giới hạn sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời ở khu vực Biển Đông. "Nếu một máy bay của Anh, cả dân sự và quân sự, bị chặn và không được phép bay trong khu vực mà chúng tôi xem là của quốc tế, chúng tôi đơn giản là sẽ phớt lờ”, ông Ahmad nhấn mạnh như vậy với các phóng viên.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, các công trình trái phép trên Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc nói rằng, họ đã hoàn thành việc xây dựng đảo và đang bắt đầu tiến hành xây dựng các toà nhà, đường bằng để đảm bảo sự đi lại an toàn trên vùng biển này. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng thừa nhận, các đảo mà họ xây dựng trái phép ở Biển Đông có thể được dùng cho mục đích quân sự. Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố họ có quyền xây dựng trên cái mà họ nói là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc bất chấp sự phản đối gay gắt và quyết liệt của cộng đồng thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng.


Ý kiến bạn đọc