Sau Nga, đến Trung Quốc bị đâm sau lưng?

10:08, 08/01/2016
|

(VnMedia) - Sự kiện Triều Tiên bất ngờ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới có thể xem là một “cú đâm sau lưng” nhằm vào đồng minh thân nhất của họ - Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn không khỏi cảm thấy đau đớn vì “đòn” phũ phàng của Triều Tiên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bình Nhưỡng hôm 6/1/2016 đã gây chấn động thế giới bằng tuyên bố vừa tiến hành một vụ thử bom H. Ngoài những số liệu về một cơn địa chấn tương đương một trận động đất khoảng 5 độ richter, người ta chưa có cách nào để xác nhận về việc có đúng là Bình Nhưỡng vừa thử bom H hay không. Tuy nhiên, tuyên bố của Triều Tiên cũng khiến các cường quốc thế giới giật mình lo ngại về những bước tiến lớn trong chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Khỏi phải nói các cường quốc thế giới đã tức giận như thế nào trước vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ là nước cảm thấy “đau” nhất bởi đồng minh mà họ bao bọc, nâng đỡ suốt bao nhiêu năm qua lại có thể dễ dàng làm họ bẽ mặt như vậy.

Đáng nói hơn, hành động của Triều Tiên còn có thể là một “cú đâm sau lưng” nhằm vào Trung Quốc bởi nó khiến Mỹ và các đồng minh chưa bao giờ lại quyết tâm dựng một lá chắn tên lửa tối tân ở trong khu vực như vậy. Đây là điều mà Bắc Kinh lâu nay luôn phản đối kịch liệt.

Giới phân tích và các tuỳ viên quân sự tin rằng, Bắc Kinh đang theo dõi nhất cữ nhất động để tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy Mỹ và Nhật Bản sẽ tận dụng cơ hội từ vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên để dựng lên một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân ở Châu Á. Mỹ cũng có thể thúc giục Hàn Quốc tiếp nhận một hệ thống phòng thủ tên lửa hàng đầu – điều mà Seoul đến nay vẫn từ chối.

Trước đó, giới chức quân sự Mỹ nhiều lần cảnh báo, họ tin rằng Triều Tiên đã có đủ năng lực để thu nhỏ đầu đạn và đưa lên tên lửa đạn đạo. Đây sẽ là mối đe doạ đối với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bất kỳ động thái nào nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Á đều có thể thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh. Sự đối đầu này vốn đã đang được thể hiện rất rõ ở Biển Đông – một tuyến đường biển có tính chiến lược sống còn mà Mỹ lo ngại Bắc Kinh đang muốn chiếm và phi quân sự hoá.

"Trung Quốc sẽ rất nhạy cảm trước bất kỳ động thái nào của Nhật Bản hay Hàn Quốc nhằm tăng cường, nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa", ông Zhang Baohui – một chuyên gia về an ninh hạt nhân ở trường Đại học Lingnan, Hồng Kông, cho biết.

"Triều Tiên có thể là lý do nhưng các nhà chiến lược của Trung Quốc sẽ xem hệ thống phòng thủ tên lửa đó là một động thái nhằm chống lại nước này, cụ thể là nhằm hạn chế năng lực răn đe hạt nhân của họ".

Nỗi quan ngại của Trung Quốc đặc biệt tập trung vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao tinh vi mà giới chức quân sự Mỹ nói là rất cần được dựng lên ở Hàn Quốc. Đó là Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Kể từ hồi tháng 6 năm 2014, giới chức quân sự Mỹ đã nói rằng, hệ thống vũ khí THAAD là cần thiết đối với Hàn Quốc trong bối cảnh nước này phải đối phó với kho vũ khí tên lửa ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington chưa đưa ra lời đề nghị chính thức nào về việc triển khai hệ thống THAAD ở lãnh thổ Hàn Quốc.

Trung Quốc ban đầu không đề cập nhiều đến việc triển khai hệ thống THAAD nhưng trong thời gian gần đây nước này bắt đầu ngày một tỏ rõ sự phản đối, khiến một số nghị sĩ ở Seoul quan ngại về khả năng khủng hoảng trong quan hệ Trung-Hàn. Đồng thời, các nghị sĩ khác của Hàn Quốc lại tin rằng việc triển khai các hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sẽ giúp củng cố liên minh an ninh của nước này với Washington.

Với việc Triều Tiên tiếp tục thể hiện năng lực hạt nhân ngày một tiến xa, giới chức Hàn Quốc có thể sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn cho việc triển khai THAAD trên lãnh thổ nước họ.

Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang hướng tới việc thiết lập một hệ thống THAAD trên lãnh thổ của mình trong tương lai. Các nguồn tin công nghiệp cho hay, mối đe doạ lâu nay từ Trung Quốc cùng với nguy cơ từ những tên lửa siêu nhanh của Triều Tiên đang khiến Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc triển khai THAAD.

Dự luật an ninh mới của Nhật Bản được thông qua hồi năm ngoái và bản sửa đổi định hướng hợp tác an ninh giữa Tokyo với Washington đã đặt ra mục tiêu phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai nước trong vấn đề phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km - đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Với những diễn biến như trên, rõ ràng, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đang khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thêm quyết tâm và động lực để thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân ở Châu Á, khiến Trung Quốc mất ăn mất ngủ vì lo ngại.


Ý kiến bạn đọc