Mỹ hụt hơi, đuối sức, các đồng minh hoang mang?

20:02, 20/01/2016
|

(VnMedia) - Cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển sang thế có phần bất lợi cho siêu cường Mỹ khi Trung Quốc và Triều Tiên liên tục thách thức sự đáng tin cậy của những cam kết an ninh của Mỹ và Lầu Năm Góc đang đối mặt với những hạn chế về chi tiêu quân sự. Đây là nội dung của một bản nghiên cứu vừa được công bố ngày hôm qua (19/1).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược đã thực hiện một nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong bản nghiên cứu này, giới nghiên cứu bày tỏ sự “quan ngại” về việc chính sách “tái cân bằng” của Tổng thống Barack Obama ở Châu Á có thể sẽ không đủ để đảm bảo các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng thực hiện nghiên cứu  nói trên theo Điều luật Quốc phòng năm 2015.

"Các hành động của Trung Quốc và Triều Tiên đang liên tục thách thức sự đáng tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực Châu Á  và ở tốc độ phát triển năng lực quân sự của Mỹ như hiện nay, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ”, nghiên cứu đã chỉ ra như vậy.

Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc và những người ủng hộ Bộ Quốc phòng trong Quốc hội cho rằng, những nỗ lực nhằm bắt kịp với tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như đối phó được với các mối đe doạ an ninh đang vấp phải cản trở từ việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mà chính phủ Mỹ đưa ra từ hồi năm 2011 nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt lớn ở nước này.

Quốc hội đã thông qua một dự luật chi tiêu đến cuối năm 2016 nhằm giải quyết những quan ngại nói trên nhưng chưa đưa ra được một giải pháp lâu dài.

Bản nghiên cứu vừa được công bố đã đưa ra 4 khuyến nghị:

Thứ nhất, Nhà Trắng nên phát triển một chiến lược tái cân bằng riêng sau khi nhận thấy có những sự bối rối, lúng túng trong bộ máy chính phủ về chiến lược này. Trong số nhiều vấn đề khác, bản nghiên cứu chỉ ra rằng, chính quyền của ông Obama nên tăng cường kết nối với Quốc hội và phối hợp tốt hơn với các đồng minh.

Khuyến nghị thứ hai là Washington nên tăng cường nỗ lực để củng cố sức mạnh cho các đồng minh cũng như đối tác, bao gồm trong lĩnh vực an ninh hàng hải. "Nhiều nước đang vật lộn một cách khó khăn để giảm thiểu các nguy cơ về an ninh khu vực. Những nguy cơ đó trải rộng từ các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đến những tranh chấp hàng hải và các mối đe doạ từ tên lửa”, bản nghiên cứu phân tích.

Khuyến nghị thứ ba là Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ tư, Mỹ nên tăng cường phát triển các năng lực mới cho lực lượng vũ trang của nước này, như khả năng chống lại các mối đe doạ ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo đối với tàu thuyền và căn cứ của Mỹ.

Thông tin về việc cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi theo hướng bất lợi đối với Mỹ thực sự khiến các nước đồng minh của họ lo ngại.

Châu Á vốn đang phải chứng kiến nhiều cuộc đối đầu, trong đó nổi bật là những cuộc đối đầu giữa các đồng minh của Mỹ như Philippines, Nhật Bản với Trung Quốc. Cả Philippines và Nhật Bản đều muốn trông chờ vào siêu cường Mỹ để đối phó với một Trung Quốc ngày càng “ghê gớm”. Bản thân Washington cũng muốn cùng phối hợp với các đồng minh của mình để tạo thế đối trọng với Trung Quốc, kiềm chế bớt sự nổi lên một cách đáng ngại của cường quốc Châu Á này.

Trong thời gian qua, người ta đã thấy Mỹ liên tục thắt chặt mối quan hệ đồng minh với hai nước thân thiết là Nhật Bản, Philippines đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực. Washington cũng nỗ lực giúp đỡ các nước đồng minh và đối tác trong việc tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ như là chưa đủ, nhất là trong thời điểm Mỹ có nhiều mối bận tâm cũng như bị hạn chế về năng lực tài chính.


Ý kiến bạn đọc