Mỹ bất ngờ quay ngoắt thái độ với Nga

09:49, 25/01/2016
|

(VnMedia) - Mỹ bất ngờ quay ngoắt thái độ với Nga khi có phát biểu thể hiện mong muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga. Phải chăng Washington đang nhận ra rằng họ cần Moscow để giải quyết một loạt các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu nêu có hành động “đấu dịu” thay vì làm căng thẳng với Nga?

Ngoại trưởng Mỹ Kerry
Ngoại trưởng Mỹ Kerry

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi cuối tuần vừa rồi bất ngờ đưa ra triển vọng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trong vài tháng nữa nếu như thoả thuận hoà bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine được thực hiện đầy đủ.

"Với những nỗ lực và mục định hợp pháp không hề gian dối nhằm tìm cách giải quyết vấn đề ở cả hai phía, rất có thể trong những tháng tới chúng ta sẽ thấy các thoả thuận Minsk được thực hiện”, ông Kerry cho biết trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sỹ.

Theo lời nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, diễn tiến trên sẽ cho phép Nga “đến được một nơi mà ở đó các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ do thoả thuận Minsk được thực hiện một cách đầy đủ”.

Thoả thuận hoà bình Minsk là một gói các biện pháp được lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Ukraine và Nga nhất trí ở thủ đô của Belarus nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thoả thuận trên được ký kết vào đầu năm 2015 và trên thực tế nó đã giúp chấm dứt sự thù địch ở Ukraine sau khi cuộc nội chiến nổ ra từ hồi tháng Tư năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.000 người. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 9 năm ngoái ở miền đông Ukraine vẫn mong manh, dễ vỡ.

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 12 vừa rồi, Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục ra quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng nước với lập luận cho rằng thoả thuận hoà bình Minsk chưa được phía Nga thực hiện một cách nghiêm túc.

Moscow bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định họ đã thực hiện nghiêm túc thoả thuận Minsk đồng thời tố cáo chính Kiev mới là bên đang không thực hiện đầy đủ thoả thuận hoà bình Minsk.

Tuần trước, giới chức cấp cao Mỹ và Nga đã gặp nhau để bàn bạc về tình hình Ukraine trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thực hiện một nỗ lực mới nhằm củng cố lệnh ngừng bắn đang được thực hiện ở miền đông của quốc gia Đông Âu.

Cuộc gặp gỡ trên diễn ra vài ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Ý kiến bạn đọc