Dự án chiến đấu cơ thế hệ 5 Nga-Ấn bị "cắt gọt"

20:52, 27/01/2016
|

(VnMedia) - Công ty Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ và hãng sản xuất máy bay Sukhoi của Nga vừa quyết định sẽ cắt giảm chi phí dự án phát triển chung chiến đấu cơ thế hệ 5 (FGFA) từ 12 xuống còn 8 tỉ USD, tương đương 40% chi phí.

Trước đó, hồi năm 2008, 2 nước ước tính chi phí của dự án là khoảng 11 tỉ USD và mỗi nước sẽ đóng góp một nửa khoản tiền này, tuy nhiên, qua một vài năm, con số đã tăng lên 12 tỉ USD do lạm phát.

Tuy nhiên, sau đó, cả 2 nước lại cùng thống nhất cắt giảm chi phí toàn dự án xuống còn 8 tỉ USD và khoản tiền này sẽ 2 nước đầu tư dần trong vòng 7 năm tới.

Theo đó, Moscow và New Delhi sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong năm đầu, sau đó lần lượt 500 triệu USD những năm sau đó.

Nga và Ấn Độ đã ký kết hợp đồng phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 chung FGFA từ ngày 18/10/2007. Đây là mẫu máy bay phát triển riêng cho Ấn Độ, dựa theo mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 PAK FA T-50, chuẩn bị đi vào sản xuất đại trà vào năm 2017.

Giống với nguyên bản T-50, máy bay FGFA của Ấn Độ, sẽ có tính năng tàng hình và tác chiến điện tử hiện đại, cùng với đó là khả năng bay ở tốc độ 2.300 km/h với tầm hoạt động 3.800km.

Tuy nhiên, chiến đấu cơ tàng hình FGFA Ấn Độ được đánh giá sẽ còn ưu việt hơn T-50 của Nga.

Theo đó, phiên bản chiến đấu cơ tàng hình FGFA của Nga-Ấn Độ sẽ có trọng lượng nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn và khả năng tàng hình đối với radar tốt hơn so với phiên bản ban đầu PAK-FA của Nga.

“Trong khi phiên bản PAK-FA của Nga sử dụng tất cả vật liệu kim loại thì phần cánh ngang và cánh ổn định dọc trên máy bay của chúng tôi sẽ được làm từ vật liệu composite”, ông S. Subrahmanyanm, một Giám đốc bộ phận quản lý tổ hợp của Công ty Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ cho biết.

“Việc sử dụng vật liệu composite sẽ giảm trọng lượng cho máy bay và tăng khả năng tàng hình. Phiên bản FGFA của chúng tôi cũng sẽ có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn do Ấn Độ tự sản xuất”, ông S. Subrahmanyan nói thêm.

“Nhờ những cải tiến trên, chúng tôi sẽ có một nền tảng máy bay tốt hơn và mạnh hơn so với phiên bản của Nga”, ông Subrahmanyan nhấn mạnh.

FGFA là một dự án quốc phòng lớn nhất và cũng chứa nhiều tham vọng nhất của Ấn Độ trong các dự án hợp tác cùng với Nga.

Công ty HAL sẽ có 3 nguyên mẫu PAK-FA của Nga để thiết kế lại và thử nghiệm vào năm 2015, 2016 và 2017. Sau đó sẽ nhận chuyến giao sản xuất hàng loạt để cung cấp cho Không quân Ấn Độ vào năm 2019. Hải quân Ấn Độ hy vọng rằng năm 2030 sẽ nhận được 214 máy bay chiến đấu thế hệ năm FGFA. 

Dự án FGFA sẽ được Ấn Độ giám sát chuyên môn ở mức cao nhất về công nghệ điện tử hàng không.

“Chúng tôi đã chuyển giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ để cùng thiết kế và phát triển”, ông Subrahmanyan nói.

Được biết, Hiện nay, Ấn Độ và Nga đang hợp tác phát triển hai dự án thiết kế quốc phòng là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm FGFA và máy bay vận tải đa năng (MTA).

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã từng cung cấp hệ thống điện tử hàng không cho các máy bay Su-30 để Nga sản xuất cho Malaysia và Indonesia.


Ý kiến bạn đọc