Ukraine phản đòn Nga, "mối hận" khó giải

10:00, 25/12/2015
|

(VnMedia) - Quốc hội Ukraine hôm qua đã nhất trí tung “đòn phản công” Nga, đẩy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng một thời thân thiết xuống vực thẳm sâu hơn nữa.

Quốc hội Ukraine
Quốc hội Ukraine

Các nghị sĩ trong Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Nga. Đây là “đòn phản công” của kiev sau khi Moscow huỷ bỏ thoả thuận thương mại tự do với Ukraine do nước này tham gia vào thị trường chung Châu Âu.

Theo người kiến nghị đòn đáp trả Nga – Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk, lệnh cấm vận thương mại đối với Nga sẽ chính thức được thực thi vào ngày 1/1/2016, cùng ngày Thoả thuận Hợp tác giữa Ukraine và Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực.

Dự luật mới cho phép chính phủ Kiev thực hiện đòn đáp trả, trong đó có việc huỷ bỏ những ưu đãi về thuế quan, đối với các nước “có những hành động thù địch hay phân biệt” với Ukraine và bị Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) coi là “quốc gia xâm lược”. Dự luật này dường như ám chỉ đến Nga vì trong suốt thời gian qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, Kiev luôn cáo buộc, lên án Nga là một “nước xâm lược”.

“Trong suốt 3 năm qua, chúng tôi đã cắt giảm được 3 lần sự phụ thuộc vào Nga. Cách đây 3 năm, giá trị xuất khẩu của Ukraine sang Nga chiếm khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Hiện giờ, con số đó chỉ là 12%. Chúng tôi sẽ bảo vệ thị trường trong nước của Ukraine”, Thủ tướng Yatsenyuk đã tuyên bố như vậy.

Mùa thu này, Ukraine bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Danh sách đen bao gồm 29 ngân hàng Nga, hơn 20 hãng hàng không Nga, nhiều doanh nghiệp quân sự và công ty an ninh phần mềm Kaspersky Lab.

Mối quan hệ giữa Kiev và Moscow đang xấu đi một cách nghiêm trọng hơn nữa kể từ hồi tháng 12 khi hai bên không đạt được sự đồng thuận về phần kinh tế trong Thoả thuận hợp tác giữa Ukraine và EU.

Hồi giữa tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thoả thuận thương mại tự do với Ukraine. Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2016. Theo lời ông chủ điện Kremlin, việc Kiev mở cửa biên giới cho EU làm ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh kinh tế của Nga. Moscow cũng lo ngại việc dỡ bỏ rào chắn thương mại của Kiev sẽ khiến hàng hoá bị cấm vận của Châu Âu có thể tuồn vào Nga một cách bất hợp pháp.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện giờ được xem như là “kẻ thù không đội trời chung”. Việc hai nước tiếp tục đối đầu nhau trên mọi mặt trận khiến “mối hận” giữa họ ngày càng khó hoá giải.


Ý kiến bạn đọc