"Nhún" không xong, Thổ Nhĩ Kỳ "lật mặt" phản pháo Nga

07:02, 15/12/2015
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khiến người ta bất ngờ khi tuyên bố sự kiên nhẫn của Ankara với Nga “có giới hạn”, sau khi Moscow bị cáo buộc phản ứng “thái quá” trước một vụ rắc rối mới về hải quân giữa hai nước, tờ nhật báo Corriere della Sera của Italia hôm qua (14/12) đưa tin.

Phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi ông Cavusoglu vừa thể hiện sự xuống nước một cách rõ ràng khi nói rằng Ankara mong chờ "những tín hiệu tích cực" từ Moscow.

Tàu chiến Nga mới đây vừa phải nổ súng bắn cảnh cáo một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ
Tàu chiến Nga mới đây vừa phải nổ súng bắn cảnh cáo một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ

Trước đó, hồi cuối tuần, một tàu khu trục của Nga đã thẳng thừng nổ súng bắn cảnh cáo một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Aegean khi con tàu này phớt lờ mọi cảnh báo thẳng tiến về phía tàu Nga. Theo lời giới chức Nga, để tránh một vụ đụng độ có thể xảy ra, tàu Nga đã buộc phải nổ súng. Sau đó, Nga đã triệu tập tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đến để phản đối về vụ việc.

"Tàu của chúng tôi chỉ là tàu cá. Tôi cho rằng, phản ứng của tàu hải quân Nga là quá mức”, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Corriere della Sera.

"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn phải tái thiết lập quan hệ dựa trên sự tin tưởng mà chúng tôi đã luôn luôn có trước đây, nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn”, ông Cavusoglu tuyên bố.

Về phần mình, Nga cũng cứng rắn không kém. Moscow cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ hãy ngừng ngay những hành đông khiêu khích nhằm vào lực lượng của họ ở trong hay gần Syria. “Tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải thích một cách rõ ràng về những hậu quả nghiêm trọng từ các hành động bất cẩn của Ankara đối với lực lượng quân sự chống khủng bố quốc tế của Nga ở Syria”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Vụ lùm xùm hải quân mới nhất ở Biển Aegean giữa một tàu hải quân Nga và một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao một mức mới sau khi mối quan hệ này đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì sự kiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phũ phàng bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Theo lời ông Cavusoglu, Nga “đã tự đẩy mình vào một tình huống nực cười” khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra lời cáo buộc Ankara bắn rơi máy bay Nga để bảo vệ nguồn cung cấp dầu mỏ từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chưa dừng lại ở những phát biểu mang tính đầy thách thức với Nga vì vụ va chạm tàu thuyền mới nhất nói trên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp tục đưa ra những cáo buộc về sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria. Cũng giống như phương Tây, Ankara cáo buộc chiến dịch không kích của Nga ở Syria không phải để nhằm chống khủng bố mà thực chất để hậu thuẫn, ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

"Không may là Nga không có mặt ở Syria để chống khủng bố”, ông Cavusoglu phát biểu đồng thời nói thêm rằng chỉ 8% các cuộc không kích của Nga là nhằm vào IS trong khi có đến 92% các cuộc tấn công là nhằm vào các nhóm thù địch với đồng minh Assad của Nga.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cho rằng, chiến dịch không kích không đủ để đánh bại IS mà cần triển khai lực lượng bộ binh.

Quan hệ giữa Moscow và Ankara đang “lao dốc không phanh” sau khi xảy ra sự kiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11 vì cáo buộc chiếc máy bay này xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga coi hành động phũ phàng của Thổ Nhĩ Kỳ là một “cú đâm sau lưng của kẻ phản bội”. Tổng thống Nga Vladimir Putin vì thế đã không ngần ngại tung ra những đòn trừng phạt mạnh tay về kinh tế, gây tổn thất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây nhất, Nga còn tuyên bố ngừng đàm phán về một dự án năng lượng quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow cũng không ngần ngại đưa những vũ khí thiện chiến nhất, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không hàng đầu S-400 đến sát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ để răn đe nước này.

Tất cả những diễn biến trên đã đẩy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gắn bó khá chặt chẽ với nhau nhưng hai nước này lại mâu thuẫn gay gắt trong vấn đề Syria. Nếu như Nga kiên quyết ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad thì Ankara luôn nhăm nhe lật đổ chính quyền này. Việc Nga đưa lực lượng can thiệp vào Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn và kết quả là vụ bắn rơi máy bay Nga đã xảy ra.

Hiểu rõ ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt của Nga, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu dịu giọng khi liên tục tuyên bố, họ không hề muốn đối đầu với Nga và rằng họ hy vọng hai bên sẽ sớm đối thoại với nhau để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, xem ra với những diễn biến đang theo chiều hướng như thế này, quan hệ giữa Moscow và Ankara khó có thể cải thiện trong thời gian trước mắt.


Ý kiến bạn đọc