Nga không để phương Tây lừa cay đắng như vụ Libya

16:27, 21/12/2015
|

(VnMedia) - "Phương Tây đã lừa chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ vì đã đơn phương lợi dụng nghị quyết của Liên Hợp Quốc để chiếm đóng Libya. Chúng tôi sẽ không bao giờ để họ tiếp quản Syria”, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga ở thủ đô Damascus mới đây đã tuyên bố như vậy.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

 

Sự nổi lên mạnh mẽ của Nga và Iran ở Trung Đông

Sau nhiều năm ảnh hưởng bị suy giảm nghiêm trọng, Nga và Iran đang có sự quay trở lại ngoạn mục ở Trung Đông trong năm 2015 khi họ ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Là một đồng minh ủng hộ chính quyền Syria bao nhiêu thập kỷ nay, Moscow hiện tại đang mạo hiểm triển khai Không lực đến quốc gia Trung Đông để hậu thuẫn cho quân đội Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như cuộc chiến chống phe nổi dậy.

Về phần mình, sau nhiều năm bị cô lập và tê liệt vì các biện pháp trừng phạt, Iran cũng đang quay trở lại như một cường quốc khu vực với một ghế trong các cuộc đàm phán hoà bình của Syria. Điều này giúp Tehran ngày càng khẳng định vị trí cũng như tính hợp pháp trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, giới phân tích đang đặt câu hỏi, liệu sự đầu tư của Nga và Iran cuối cùng có giúp họ giành được vị trí hàng đầu trong khu vực hay sẽ đẩy họ vào một vũng lầy ở Trung Đông – khu vực vốn nổi tiếng bởi tình trạng hỗn loạn, bất ổn.

"Sự trỗi dậy của Nga và Iran trong khu vực Trung Đông là rõ ràng và sự can thiệp của họ ngày càng mạnh mẽ, táo bạo hơn", ông Karim Bitar – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Viện Các vấn đề Chiến lược và Quốc tế, cho hay.

"Họ đang tìm cách điền vào chỗ trống bị bỏ lại bởi sự rút lui của Mỹ” khỏi khu vực, chuyên gia Bitar nói thêm.

Chiến dịch can thiệp của Nga là nổi bật nhất ở Syria – nơi đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua và khiến quân đội Syria ngày một trở nên mệt mỏi.

Sau nhiều năm cung cấp viện trợ tài chính và các cố vấn quân sự, Moscow chính thức phát động chiến dịch không kích vào Syria từ hôm 30/9.

“Phương Tây đã lừa chúng tôi”

Với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Moscow trong một đêm đã đánh mất ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông – nơi nước này từng đầu tư nhiều thời gian và các nguồn lực năng lượng, tài chính trong suốt bao nhiêu năm.

Hồi tháng Năm năm 1994, Nga đã phải dõi theo một cách bất lực khi nước Cộng hoà Dân chủ Yemen từng được Liên Xô hậu thuẫn mạnh mẽ phải lùi bước trước áp lực từ phương Bắc.

Chưa đầy một thập kỷ sau đó, ảnh hưởng của Nga ở Iraq trở nên mờ nhạt hơn nữa với sự kiện Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ và bị giết chết trong cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu.

Lịch sử dường như lặp lại khi vào tháng 10 năm 2011 với chiến dịch quân sự được Liên Hợp Quốc bật đèn xanh ở Libya, đồng minh của Nga – Tổng thống Moamer Kadhafi cũng bị lật đổ và giết chết.

"Phương Tây đã lừa chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ vì đã đơn phương lợi dụng nghị quyết của Hội đồng Bảo an để chiếm Libya. Chúng tôi sẽ không bao giờ để họ chiếm Syria", một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga tuyên bố ở thủ đô Damascus.

Syria là chỗ đứng cuối cùng của Moscow ở Trung Đông và việc để mất nước này sẽ đẩy Nga xuống vị trí cường quốc cấp 2.

Sự kiên định trong lập trường của Nga ở Syria một phần xuất phát từ mong muốn bảo vệ mối quan hệ song phương mạnh mẽ với “quốc gia khách hàng ở Trung Đông”, ông Bitar cho hay. Tuy nhiên, Nga cũng tìm cách xây dựng mình trở thành một người bảo vệ cho cộng đồng thiểu số người Cơ đốc giáo ở khu vực và hành động theo chính sách “phục thù” sau khi chịu thất bại từ năm 1989, ông Bitar nói thêm.

"Lợi ích quốc gia của Nga đã buộc mình phải hành động ở Trung Đông, để nước này không phải chiến đấu với ngọn lửa của tư tưởng Hồi giáo ở gần biên giới của mình", ông Ajdar Kourtov – người đứng đầu Tạp chí Các Vấn đề Chiến lược quốc gia thân cận với điện Kremlin, cho hay.

"Giới lãnh đạo ở Moscow mong muốn khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế - một vị thế tương đương mà Liên Xô từng có”, ông Kourtov nói thêm.

Syria đã chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 2011, với các phe nhóm đối lập và các nhóm khủng bố Hồi giáo như IS và Mặt trận Nustra đều đang chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Assad. Cuộc khủng hoảng này trở nên phức tạp hơn khi nó chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và phương Tây. Nga từ lâu luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad, nói rằng nước này sẽ không chấp nhận đòi hỏi về sự ra đi của Nhà lãnh đạo Syria như một điều kiện tiên quyết cho việc khởi động bất kỳ tiến trình hòa bình nào ở đất nước Trung Đông đang bị giày xéo bởi chiến tranh. Trong khi đó, phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng nổi dậy Syria và khăng khăng đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.

Tình trạng trên đã khiến cho cuộc nội chiến ở Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc. Hơn 4,5 năm trôi qua mà tình hình Syria vẫn chưa có lối thoát.


Ý kiến bạn đọc