Thừa nhận cực sốc của Mỹ về Kim Jong Un

09:11, 09/10/2015
|

(VnMedia) - Washington thừa nhận Triều Tiên có đủ năng lực hạt nhân để vươn tới lãnh thổ Mỹ và Chủ tịch Kim Jong Un không hề ngại ngần tuyên chiến với Mỹ. Chính vì điều này, Mỹ buộc phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống đáng sợ đó, một quan chức Lầu Năm Góc hôm 7/10 cho biết.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un luôn là nỗi ám ảnh đối với Mỹ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un luôn là nỗi ám ảnh đối với Mỹ.

 

Đô đốc Bill Gortney – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phương Bắc của Mỹ và Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ, cho biết ông đồng ý với những đánh giá của giới tình báo Mỹ về việc Triều Tiên thực sự đã có vũ khí hạt nhân trong tay đồng thời đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên một tên lửa có khả năng vươn tới nước Mỹ.

"Chúng tôi đánh giá họ có thể phóng vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ của chúng tôi từ một tên lửa”, ông Gortney đã thừa nhận thực tế gây sốc như vậy tại một sự kiện do tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức với chủ đề “bảo vệ quê hương”.

Theo lời ông Gortney, với cách hành xử thất thường, khó dự đoán như của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, quân đội Mỹ buộc phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.

"Chúng tôi đã sẵn sàng đối mặt với ông ta và chúng tôi sẵn sàng trong vòng 25 giờ nếu ông ta đủ ngu ngốc để ra quyết định bắn về phía chúng tôi”, Đô đốc Gortney cho hay.

"Tôi tương đối tự tin rằng chúng tôi sẽ bắn hạ những quả đạn được bắn về phía chúng tôi", ông Gortney nói thêm.

Phương Tây từ lâu đã ám ảnh bởi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Mỗi lần Bình Nhưỡng phóng tên lửa hay thử hạt nhân đều làm dậy sóng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây. Về phần mình, Triều Tiên mỗi lần tức giận với phương Tây đều tìm cách khiêu khích bằng việc phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân.

Suốt nhiều năm qua, Mỹ cùng với các cường quốc tìm mọi cách gia tăng sức ép để buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Liên Hợp Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vì điều này. Tuy nhiên, mọi việc cho đến giờ vẫn không thay đổi.

Lâu nay, giới chức  Mỹ, phương Tây và các nước láng giềng của Triều Tiên vẫn còn cảm thấy đôi chút yên tâm khi Bình Nhưỡng được đánh giá là chưa có khả năng về công nghệ để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đưa lên tên lửa. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, liên tục có những báo cáo của giới chuyên gia nhiều nước về những bước đột phá của Triều Tiên trong con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này đã khiến các nước không khỏi cảm thấy bất an, lo ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin về việc Triều Tiên đã sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Hồi đầu năm nay, Hàn Quốc từng công bố một bản đánh giá chính thức đầu tiên về sức mạnh vũ khí tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong đó khẳng định Bình Nhưỡng đã có những tên lửa tầm xa có thể vươn tới tận lục địa của nước Mỹ.

Với chính sách ưu tiên hàng đầu cho quân sự, Triều Tiên trong những năm qua đã xây dựng được cho mình một quân đội hùng hậu với nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó đáng chú ý là kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đa dạng nhiều loại và thiện chiến.

Với một kho vũ khí tên lửa và hạt nhân đáng sợ như trên cộng với sự khó lường và khó đoán trong hành động của Chủ tịch Kim Jong Un, ông này rõ ràng đang trở thành nỗi ám ảnh lớn của phương Tây.

Chính sách của Mỹ với Triều Tiên dựa trên “ba trụ cột” gồm răn đe, ngoại giao và áp lực. Trong khi Mỹ vẫn đang tìm kiếm thêm các biện pháp trừng phạt và tăng cường tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt hiện thời nhằm vào Triều Tiên để gây sức ép buộc nước này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân thì Washington cũng tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán, đối thoại để tháo gỡ vấn đề.

Có vẻ như Mỹ giờ đây hiểu rằng việc làm căng với Bình Nhưỡng không có tác dụng nên siêu cường số 1 thế giới gần đây bắt đầu có dấu hiệu nhượng bộ. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 9, Mỹ bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên. Trước đó, Washington cùng đồng minh Seoul của mình luôn đặt ra điều kiện cho bất kỳ cuộc đối thoại, đàm phán nào với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là lời đề nghị đàm phán của Washington được đưa ra sau khi Triều Tiên “làm mình làm mẩy” bằng một loạt lời đe doạ, cảnh báo về khả năng sẵn sàng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới. Vì thế, sự nhượng bộ của Mỹ gây tranh cãi. Giới phân tích cho rằng, một mặt việc Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng sẽ có ích trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân thì nó cũng cho thấy rõ một điều chiến thuật “làm căng” của Bình Nhưỡng đang phát huy tác dụng.

Chiến thuật “làm căng” rất hay được Bình Nhưỡng sử dụng để gây sức ép với các cường quốc phương Tây. Và có vẻ như chiến thuật này có tác dụng nên nó thường xuyên được áp dụng. Cuộc đối đầu giữa Triều Tiên với phương Tây quanh chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng đã kéo dài suốt nhiều năm qua mà không thể giải quyết bất chấp việc đã có rất nhiều cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.


Ý kiến bạn đọc