Lùm xùm Nga-Pháp: Ván đã đóng thuyền

10:19, 13/10/2015
|

(VnMedia) - Hai tàu chiến trực thăng đổ bộ lớp Mistral vốn được Pháp sản xuất cho Nga sẽ được đưa tới Ai Cập vào mùa hè năm 2016 khi Cairo vừa ký kết hợp đồng mua lại lô 2 tàu chiến trên của Paris.

Trước đó, ngày 10/10, Cairo và Paris đã ký kết một hợp đồng, theo đó, Cairo sẽ mua lại 2 tàu chiến Mistral mà lẽ ra Pháp sẽ phải cung cấp cho Nga, nhưng buộc phải hủy bỏ vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tàu chiến Mistral.
Tàu chiến Mistral.

“Hai tàu chiến Mistral sẽ cập cảng của Ai Cập vào năm 2016. Chúng tôi dự kiến sẽ sớm bắt tay vào việc huấn luyện binh lính trong 6 tháng đầu năm 2016”, người phát ngôn của công ty đóng tàu DCNS của Pháp cho hay.

Điện Elysse tiết lộ, Ai Cập đã nhất trí trả cho Pháp khoản tiền trị giá lên tới gần 1,5 tỷ USD để sở hữu hai tàu chiến này. Mỗi tàu chiến lớp Mistral có thể chở 16 trực thăng, 4 máy bay đổ bộ và 13 xe tăng.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng giữa Nga và Pháp, Pháp phải hỏi ý kiến Nga và xem xét các lợi ích của Nga trước khi bán 2 tàu Mistral cho bên thứ 3. Việc Pháp bán lô tàu này cho Ai Cập hoàn toàn hợp ý Nga bởi chính Nga đã đề xuất việc này với Pháp.

Mặc dù bị Pháp “đem con bỏ chợ” nhưng sau đó Nga lại được đền bù xứng đáng khi “trúng” hợp đồng bán lô trực thăng Ka-52 cho Ai Cập.

Ai Cập quyết định mua trực thăng Nga ngay sau nước này đạt được thỏa thuận mua lại của Pháp hai tàu đổ bộ mang trực thăng hạng nặng lớp Mistral. Theo hãng tin TASS, Nga và Ai Cập đã bí mật đàm phán về hợp đồng cung cấp trực thăng Ka-52 vào cuối tháng 8/2015.

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đổ vỡ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Pháp đã chịu thua trước sức ép của phương Tây để buộc phải hủy bỏ hợp đồng vũ khí “khủng” với Nga.

Sau một thời gian dài "nhùng nhằng", đến đầu tháng 8 vừa qua, cả Nga và Pháp đều lên tiếng khẳng định, họ đã chính thức đưa ra “phán quyết” cuối cùng cho số phận của hợp đồng tàu chiến đình đám mang tên Mistral. Pháp cho biết, họ đã đồng ý với thỏa thuận bồi thường cho Nga vì không bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến tối tân lớp Mistral vì cuộc khủng hoảng Ukraine . Điều này đồng nghĩa với việc cuộc tranh cãi về ngoại giao, thương mại và chính trị xung quanh hợp đồng vũ khí giữa Nga và Pháp kéo dài suốt nhiều tháng qua đã chính thức đóng lại.

Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở 4 sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ...

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB.

Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.

 Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc