Bất lực, phương Tây sắp "đầu hàng" Nga?

11:01, 09/10/2015
|

(VnMedia) - Bất chấp những nỗ lực cao nhất của Washington nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga thông qua những đòn trừng phạt, các đồng minh của Mỹ dường như cũng dần dần nhận ra sự bất lực và vô nghĩa trong chính sách “cô lập, bao vây” Nga. Trong tình thế trong, ngoài đều khó khăn, Liên minh Châu Âu (EU) có vẻ như đang thực sự muốn dừng “cuộc chiến” với Nga.

Các nước Châu Âu đang muốn khôi phục lại quan hệ với Nga.
Các nước Châu Âu đang muốn khôi phục lại quan hệ với Nga.

 

Với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông, Washington đã gây sức ép buộc các đồng minh phải tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế, nhằm vào các ngành then chốt cũng như một loạt công ty hàng đầu và các cá nhân của Nga. Chính sách trừng phạt này dựa vào sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu, chủ yếu là Pháp và Đức.

Tuy nhiên, sự ủng hộ và hợp tác của Châu Âu đối với chính sách trừng phạt Nga đang xói mòn dần.

"Tuần trước, có tin từ Nga cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel về cơ bản đã chấp nhận thực tế Crimea giờ là của Nga”, ông Vladimir Signorelli - người đứng đầu công ty nghiên cứu vĩ mô Bretton Woods LLC, cho biết. Theo lời ông này, “trong bối cảnh công chúng Châu Âu ngày càng bất mãn với các biện pháp trừng phạt Nga, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến sức ép gia tăng đòi chống lại chính sách trừng phạt Nga vào tháng 1 tới”.

Nguyên nhân một phần là do các cuộc bầu cử sắp tới ở miền đông Ukraine.  Hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc gặp để thảo luận về khả năng tiến hành các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine trong vòng 3 tháng tới. Nếu được thực thi đúng như kế hoạch, kết quả này sẽ đem đến một sự kết thúc cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông.

"Với kết quả khả quan đó, người ta có thể trông chờ viễn cảnh chế độ trừng phạt sụp đổ vào tháng Ba hay chắc chắn là tháng Sáu năm 2016", ông Signorelli dự đoán. “Và bởi vì các thị trường luôn dựa vào triển vọng tương lai nên kịch bản lạc quan trên ngày càng có nhiều khả năng xảy ra".

Khả năng chấm dứt chính sách trừng phạt một lần nữa mở ra cánh cửa cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Nga và Châu Âu. Đây là diễn biến rất tốt cho các nhà đầu tư của Nga và Châu Âu cũng như cả Ukraine. Thực tế cho thấy, nền kinh tế giữa Nga và Ukraine có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau. Thậm chí trong thời gian hoà bình, việc nền kinh tế của Nga suy giảm cũng gây tổn thất đến nền kinh tế Ukraine.

Không cải thiện quan hệ với Nga, Châu Âu không thể phát triển

Kể từ sau khi EU “tuyên chiến” với Nga bằng một loạt các biện pháp trừng phạt, đã có không ít các quan chức, chuyên gia lên tiếng phản đối, khẳng định Nga và EU rất cần có nhau trên con đường phát triển.

Mới đây nhất, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero đã lên tiếng bày tỏ, mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng giữa Nga và các nước EU nên được khôi phục. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện Quốc tế lần thứ 4 diễn ra ở thủ đô Moscow, ông Zapatero tuyên bố, ông sẵn sàng nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ giữa Nga với EU. "Một Châu Âu mạnh cần một mối quan hệ hữu nghị với Nga”.

Diễn đàn Nghị viện Quốc tế tập trung vào vấn đề duy trì an ninh quốc tế thời hiện đại và sự kiện này có sự tham gia của đại diện đến từ 43 quốc gia.

EU thực chất ban đầu không hề muốn áp dụng chính sách trừng phạt đối với Nga bởi bản thân EU hiểu rất rõ, trừng phạt Nga chính là làm tổn thương đến chính họ. Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.

Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, EU buộc phải ra tay với đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ. Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga, mâu thuẫn giữa EU và Mỹ bắt đầu nảy sinh. Nhiều nước EU bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đòn trừng phạt nhằm vào Nga đã thể hiện sự phản đối đối với chính sách mà phương Tây và Mỹ đang áp dụng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự bất mãn của phương Tây càng tăng khi nhìn sang phía Mỹ, họ thấy rằng nước dẫn dắt họ đi trên con đường gây sức ép, trừng phạt Nga lại không bị hề hấn gì mấy nếu không nói là còn được hưởng lợi trong khi các nước EU lại chịu tổn thương sâu sắc, không kém gì Nga. Điều quan trọng hơn là EU thấy rằng, chính sách trừng phạt Nga của họ dường như chẳng có tác dụng gì trong việc khuất phục Moscow phải thay đổi lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Một chính sách không đạt được mục tiêu được đặt ra cho nó mà lại còn gây hoạ cho chính người sử dụng thì rõ ràng là thứ nên bỏ đi. Đây là điều mà nhiều nước Châu Âu đang đấu tranh để đạt được.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc