Điểm mặt các loại chiến đấu cơ Nga khiến Mỹ "ngồi trên đống lửa"

11:08, 19/12/2017
|

(VnMedia) - Hãng tin Sputnik mới đây đã dẫn nguồn tin từ Tạp chí National Interest của Mỹ, trong đó bày tỏ lo ngại về việc nhiều nước trên thế giới hiện ưa chuộng các chiến đấu cơ của Nga hơn là các loại chiến đấu tối tân của Mỹ và phương Tây.

Các nước này ưa thích dùng máy bay của Nga bởi các máy bay của Nga có giá cả hợp lý hơn rất nhiều so với Mỹ và phương Tây.

Sau đây là danh sách 5 loại máy bay quân sự của Nga khiến Mỹ phải lo ngại:

Sukhoi Su-27

Đứng đầu tiên trong danh sách này là Sukhoi Su-27 (tên gọi của NATO là Flanker). Đây là loại máy bay được coi là linh hoạt nhất trên thế giới. Sukhoi Su-27 vẫn có thể dễ dàng điều khiển ngay cả khi đang bay với tốc độ cực thấp và với góc tấn công cực cao.

Điều này được thể hiện rõ ràng khi máy bay Sukhoi Su-27 dễ dàng thực hiện tư thế tấn công kiểu rắn hổ mang, tức là tạm thời duy trì góc tấn công 120 độ, một tư thế cực khó đối với rất nhiều loại máy bay chiến đấu trong rất nhiều các cuộc triển lãm hàng không quân sự quốc tế.

Sukhoi Su-27 chính là câu trả lời cho 2 loại máy bay chiến đấu F15 và F-16 của Mỹ. Ngay cả Mỹ cũng phải thừa nhận rằng Sukhoi Su-27 có ưu thế vượt trội so với 2 loại máy bay F-16 và F/A-18 của Mỹ nhất là ở khía cạnh tốc độ khi Sukhoi Su-27 có thể đạt đến vận tốc 2.252km/h so với 2.200km/h của F-16 và 1.900km/h của F/A-18.

Trang web Air Power of Australia còn khẳng định rằng, hỏa lực, tốc độ, độ linh hoạt, khả năng né tránh và tầm hoạt động của Su-27 cũng vượt trội so với F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.

MiG-29

Đứng thứ 2 trong danh sách là chiếc máy bay nhỏ có tầm bay ngắn nhưng cực kỳ phổ biến Mikoyan’s MiG-29 (NATO gọi là Fulcrum).

Trang web Air&Space của Mỹ mô tả chiếc máy bay này: “Ngay lần đầu xuất hiện vào năm 1977, MiG-29 cũng như chiếc máy bay tiền thân MiG-15 là một lời khẳng định rõ ràng rằng: Liên Xô hoàn toàn có thể theo kịp công nghệ không gian của Mỹ”.

Tạp chí National Interest cũng phải thừa nhận: “Trên thực tế, các cuộc thử nghiệm thời hậu Chiến Tranh lạnh của Không quân Đức cho thấy MiG-21 linh hoạt hơn nhiều so với F-16”.

Được đánh giá là dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ, thế hệ thứ 4, MiG-29 có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 2.200km/giờ, tầm hoạt động 2.000km, nhưng khi được tiếp dầu trên không tầm hoạt động của máy bay có thể lên đến 6.000km. MiG-29 có thể sử dụng được 10 loại tên lửa, 4 loại bom, cùng nhiều thiết bị gây nhiễu…

Tuy được thiết kế với định hướng chủ yếu là đánh chặn nhưng MiG-29 cũng có khả năng tấn công mặt đất khá mạnh. Trang bị hỏa lực chính của máy bay này là một pháo bắn nhanh 30mm và 7 giá treo vũ khí 2 bên cánh, cho phép lắp bom, tên lửa và thùng dầu phụ.

Ngoài ra, chiếc MiG-29 còn là một chiếc máy bay chiến đấu đa dụng và có khả năng trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn AA-8 và tên lửa không đối đất AS-12.

Chính vì thế, từ năm 1983, MiG-29 đã được cải tiến để có thể thực hiện được những vai trò đặc biệt hơn.

Sukhoi Su-35

Tạp chí National Interest đã ca ngợi Su-35 là “máy bay chiến đấu tốt nhất trong số các máy bay đang hoạt động của không quân Nga”.

Theo tạp chí này, chiếc máy bay này có thể bay cao và bay rất nhanh trong khi có thể chở được rất nhiều loại vũ khí do được trang bị động cơ kép rất mạnh.

Ngoài ra, với những công nghệ hàng không rất hiện đại, Su-35 là một đối thủ cực kỳ nguy hiểm đối với bất kỳ một máy bay chiến đấu nào của Mỹ, ngoại trừ máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor.

Một quan chức Không quân Mỹ từng làm việc với máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 cho biết, chiếc Su-35 có thể là một thách thức cực lớn đối với các loại máy bay tàng hình mới của Mỹ như chiếc F-35.

Điều này là bởi máy bay F-35 là máy bay tiêm kích và không thể đạt được tốc độ bay cực nhanh và trần bay cao như Su-35 và F-22.

Su-35, NATO định danh là Flanker-E là phiên bản hiện đại nhất của gia đình Su-27 Flanker.

Sukhoi Su-35S là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất .

Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.
 
Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
 
Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Tiêm kích Su-35 có thế đạt tốc độ tối đa đạt 2,5 nghìn km/h và có tầm bay lên đến 3,4 nghìn km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km. 

Sukhoi T-50/PAK FA

T-50 là thế hệ máy bay hoàn toàn mới đầu tiên được Nga thiết kế kể từ khi Liên Xô tan rã. Nga đặt mục tiêu đưa phi cơ chiến đấu tàng hình tối tân này vào phục vụ trong Không quân từ năm 2015.

Máy bay chiến đấu T-50 của Nga được cho là là đối thủ đáng gờm của F-22 Raptor của Mỹ. F-22 hiện là phi cơ chiến đấu thế hệ 5 duy nhất trên thế giới.

Thuộc dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, T-50 có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ tiêm kích cũng như cường kích, kể cả nhiệm vụ do thám. Về vũ khí, tùy theo mục đích sử dụng, T-50 có thể mang theo 8 tên lửa không đối không R-77 hoặc 2 bom có điều khiển nặng 1500 kg.

Chiến đấu cơ T-50 được phát triển theo chương trình PAK FA tại Cục thiết kế thử nghiệm Sukhoi.

“Đây là mẫu máy bay chiến đấu tàng hình đa dụng được coi là câu trả lời trực tiếp cho các loại máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Lightning II”, tạp chí National Interest viết.

“Thậm chí, Sukhoi T-50/PAK FA còn có một thiết kế cực kỳ phức tạp và hoàn toàn tương xứng nếu không muốn nói là vượt trội đối với các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ”, Trung Tướng Dave Deptula, Cựu Chỉ huy Tình báo Hải quân Mỹ, nhận định.

“Sukhoi T-50/PAK FA có khả năng linh hoạt rất cao do được trang bị động cơ đẩy vector, đuôi máy bay có khả năng chuyển động và hệ thống khí động học cực kỳ tân tiến”, tạp chí National Interest viết.

“Trên thực tế, Sukhoi T-50/PAK FA được tối ưu hóa để đạng được ưu thế vượt trội trên bầu trời giống như F-22 nhưng lại có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn như F-35”, tạp chí National Interest kết luận.

Tupolev Tu-160

Tu-160 (NATO gọi là BlackJack) là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mang tên lửa với cánh thay đổi góc nghiêng tùy chọn, mẫu sáng chế của Phòng Thiết kế Tupolev trong những năm 1970-1980.

Tu-160 là máy bay lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử máy bay quân sự siêu thanh và máy bay với biến cánh hình học, cũng là chiến đấu cơ nặng nhất thế giới, với trọng lượng cất cánh tối đa lớn nhất trong số các máy bay ném bom hiện có.

Tu-160 còn là máy bay ném bom có tốc độ cao nhất. Không quân Nga gọi Tu-160 là Thiên nga trắng.

Máy bay Tu-160 Blackjack (Tupolev Tu-160) là một trong những phi cơ ném bom lớn nhất, nặng nhất thế giới từng được nghiên cứu và chế tạo.

Máy bay Tu-160 được giới quân sự phương Tây mệnh danh là "chiếc dùi cui". Đây là mẫu chiến đấu cơ siêu âm đa năng , được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Bề ngoài, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack có dáng gần giống với máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng bay của Tu-160 Blackjack khác với B-1B Lancer. Tu-160 có thể bay tác chiến, thâm nhập ở tầm thấp và tầm cao với tốc độ 1,9 Mach (tương đương 2018 km/giờ).

Sức mạnh của TU-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thuỷ lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc