Tàu ngầm tên lửa Triều Tiên khiến Mỹ "điêu đứng"

09:49, 02/09/2017
|

(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên đang sở hữu một chiếc tàu ngầm diesel lớp Golf thuộc Đề án 629 cải tiến từ thời Liên xô cũ, có khả năng mang tên lửa đạn đạo, một bước tiến đột phá trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. 

Tàu ngầm thuộc lớp trên chạy bằng động cơ điện diesel và có khả năng mang tên lửa đạn đạo hay tên lửa Scud. Được biết, tàu ngầm lớp Golf đã phục vụ trong biên chế của Hải quân Liên xô cũ từ năm 1958 đến năm 1990, đã bị cho “về vườn” sau khi Liên xô tan rã.

Loại tàu ngầm này được Trung tâm Thẩm định và Chiến lược Quốc tế đánh giá là sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, khiến lực lượng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản "điêu đứng". “Tàu ngầm có độ dài 66 mét, chiều rộng tối đa là 6,6 mét và có trọng lượng rẽ nước là 3000 tấn”, nguồn tin Yonhap cho hay.

Tàu ngầm trên có khả năng mang các loại tên lửa đơn tầng với một đầu đạn nặng 1.180 kg và có tầm hoạt động tối đa là 1420 km. Được biết, khoảng cách ngắn nhất giữa đảo Sinpo của Triều Tiên, nơi con tàu được nhìn thấy trên hình ảnh vệ tinh tới Nhật Bản là 650 km.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Bình Nhưỡng tự nâng cấp con tàu nhập khẩu từ Liên xô cũ này. Tuy nhiên, phía Seoul lại khẳng định, Bình Nhưỡng chưa có công nghệ tên lửa phóng đi từ tàu ngầm. 

Nam Sinpo, ở tỉnh Nam Hamgyong, là xưởng chính sản xuất các bộ phận cho tàu ngầm Triều Tiên. Đây cũng là trụ sở của Viện Nghiên cứu Hàng hải thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển các tàu, tàu ngầm cũng như vũ khí, tên lửa cho hải quân.

Bên cạnh đó, gần đây, Triều Tiên còn đang phát triển loại tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới lớp Sinpo. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Sinpo được coi là lớp tàu ngầm mới và hiện đại nhất của Hải quân Triều Tiên, được thiết kế cho nhiệm vụ mang phóng tên lửa đạn đạo KN-11.

Mặc dù chưa có thông số rõ ràng nhưng tàu ngầm lớp Sinpo được dự đoán có chiều dài 65 m; rộng 6,5 m; trang bị 2 ống phóng tên lửa đạn đạo đặt trong phần thượng tầng, kiểu thiết kế này tương tự tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Golf do Liên Xô phát triển. 

Việc đặt các ống phóng tên lửa đạn đạo vào tháp chỉ huy giúp không phải chế tạo phần thân tàu lớn hơn để đủ diện tích chứa ống phóng, phương án này tuy có ưu điểm gọn nhẹ nhưng lại hạn chế số lượng tên lửa mang theo.

Tàu ngầm lớp Sinpo được cho là có khả năng phóng tên lửa đạn đạo KN-11 trong khi đang lặn thay vì phải nổi lên mặt nước như tàu ngầm lớp Golf. Do kích thước ống phóng của Sinpo khá nhỏ nên dự đoán tên lửa KN-11 có tầm bắn chỉ vào khoảng 200 km.

Các chương trình hiện đại hóa và xây dựng hải quân của Triều Tiên từ đầu những năm 2000 có vẻ đang “leo thang” mạnh mẽ dưới thời của Kim Jong-un.

Tàu ngầm Triều Tiên: Nhiều nhưng chưa "chất"

Triều Tiên được cho là có số lượng tàu ngầm nhiều hơn hẳn so với Hàn Quốc nhưng chúng được trang bị các vũ khí lỗi thời. Theo ước tính của cơ quan tình báo quốc tế, Bình Nhưỡng đang sở hữu khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 20 chiếc thuộc lớp Romeo, có lượng giãn nước 1.800 tấn.  Tuy nhiên, đa số đều còn hạn chế về khả năng và không thể trang bị tên lửa đạn đạo. Hiện chỉ có tàu ngầm mới lớp Golf trên là có khả năng mang ít nhất 3 tên lửa với các đầu đạn.

Trong khi đó, Seoul đang lên kế hoạch đưa 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo giãn nước 3.000 tấn vào hoạt động vào năm 2020, tăng khả năng chống ngầm sau khi xảy ra vụ chìm tàu chiến Cheonan năm 2010 làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn được cho là đang sở hữu vài trăm tên lửa đạn đạo, một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, một chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học và một lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới.

Mới đây, Tướng Curtis M.Scaparrotti - Tư lệnh Lực lượng liên quân Mỹ-Hàn còn cho biết, CHDCND Triều Tiên có thể đã có đủ kỹ thuật cho phép nước này chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, có thể lắp đặt trên các loại tên lửa tầm xa.

Việc nắm vững các bước thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân sẽ giúp Bình Nhưỡng tiến gần đến mục tiêu lâu dài là có được một vũ khí hạt nhân và nhạo báng lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm hạn chế chương trình này.

Đan Khanh (tổng  hợp)


Ý kiến bạn đọc