Vừa qua, Cục điều tra hình sự - Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa nhận được đơn tố cáo của công dân, yêu cầu Cục điều tra khởi tố hai Thẩm phán tỉnh Bình Thuận về tội ra bản án trái pháp luật.
Hai thẩm phán bị đương sự tố cáo xét xử sai luật?
Mới đây, Cục điều tra hình sự – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND tối cao) đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Khánh Ly (SN 1983, trú tại xã Tân Bình, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) tố cáo và yêu cầu Cục điều tra khởi tố hai Thẩm phán tỉnh Bình Thuận về tội Ra bản án trái pháp luật.
Nội dung đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Khánh Ly gửi đến Cục điều tra hình sự cho thấy, vợ chồng ông Ngô Quốc Hùng và bà Nguyễn Thị Thuận vay thế chấp của Ngân hàng TMCP Đông Á số tiền 1 tỷ đồng, thời hạn vay 1 năm (6/2013-6/2014) với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và nhà ở thuộc thửa đất 213, tờ bản đồ số 18, tại xã Bình Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (nay là khu 4, xã Bình Tân, thị xã La Gi).
Do vợ chồng ông Hùng gặp khó khăn về tài chính, không thanh toán lãi suất chậm trả cho Ngân hàng theo thỏa thuận, vi phạm hợp đồng. Ngân hàng Đông Á đã trao đổi với vợ chồng ông Hùng xử lý tài sản thế chấp để thanh toán nợ vay.
Tuy nhiên, tài sản rao bán sau đó không có người mua nên Ngân hàng đã giới thiệu vợ chồng ông Hùng với bà Ly và bà Ly đồng ý nhận chuyển nhượng nhà đất trên.
Tháng 6/2014, bà Khánh Ly đã mua nhà đất của ông Hùng, bà Thuận đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Á - Phòng giao dịch La Gi nên trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Bà Ly đã chuyển số tiền mua nhà đất vào tài khoản của Ngân hàng Đông Á nhằm cấn trừ khoản vay (thế chấp bằng nhà đất) của ông Hùng, bà Thuận tại Ngân hàng. Ngay sau đó, Ngân hàng Đông Á đã làm thủ tục giải chấp nhà đất trên.
Thẩm phán Nguyễn Thái Bình đọc bản án sơ thẩm |
Đồng thời, dưới sự giám sát của Ngân hàng Đông Á và sự chứng nhận của Công chứng viên, bà Khánh Ly đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng nhà đất của vợ chồng ông Hùng, bà Thuận.
Bà Khánh Ly sau đó đã được UBND thị xã La Gi chấp thuận và cấp GCNQSDĐ cho nhà đất trên.
Đáng chú ý, sau khi bà Khánh Ly tiếp quản và sử dụng hợp pháp thửa đất trên, bất ngờ nhận được thông báo của TAND thị xã La Gi về việc bà Phan Dạ Thảo nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu TAND thị xã La Gi hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng, bà Thuận.
Lý do, bà Phạm Dạ Thảo cho rằng, việc chuyển nhượng nhà đất trên của vợ chồng ông Hùng, bà Thuận cho bà Khánh Ly nhằm tẩu tán tài sản, cố tình không thực hiện nghĩa vụ thi hành án cho bà Phan Dạ Thảo theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa ông Hùng, bà Thuận với bà Thảo diễn ra là ngày 27/02/2014.
Trước đó, bà Dạ Thảo và gia đình ông Hùng, bà Thuận đã có những giao dịch vay tiền với nhau dẫn đến phát sinh tranh chấp, sau đó bà Thảo kiện ông Hùng, bà Thuận ra tòa án thị xã Lagi, dẫn đến thỏa thuận giữa hai bên đương sự, hoàn toàn không liên quan đến bà Khánh Ly.
Qua hai cấp xét xử, Tòa án Nhân dân Thị xã La Gi và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Dạ Thảo, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa ông Hùng, bà Thuận và bà Khánh Ly là vô hiệu, với căn cứ là ông Hùng, bà Thuận bán nhà “giao dịch khi có tranh chấp” và “không thực hiện nghĩa vụ thi hành án…”.
Đơn tố cáo của bà Khánh Ky gửi Cục điều tra hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Mất nhà sau hai phiên tòa
Điều đặc biệt ở vụ án này, trong quá trình xét xử, cả VKSND thị xã La Gi và VKSND tỉnh Bình Thuận đều không thống nhất với quan điểm xét xử của Tòa án, đồng thời đều có kháng nghị tới cấp trên để xem xét lại vụ án.
Cụ thể, trong quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, VKSND thị xã La Gi nhận định, tòa không có cơ sở để nhận định, vợ chồng ông Hùng và bà Khánh Ly lập hợp đồng chuyển nhượng để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án với bà Dạ Thảo vì giá chuyển nhượng thực tế và giá ghi trong hợp đồng do hai bên tự thỏa thuận, không bên nào lừa dối bên nào. Đồng thời khi xem xét, tính thuế, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào bảng giá của cơ quan nhà nước ban hành chứ không lệ thuộc vào giá ghi trên hợp đồng.
VKSND thị xã La Gi cũng cho rằng, không có dấu hiệu việc vợ chồng ông Hùng chuyển nhượng tài sản cho bà Khánh Ly nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện thi hành án, không dùng tiền chuyển nhượng tài sản để thi hành án với bà Dạ Thảo là trái quy định như bản án cấp sơ thẩm nêu. Bởi tài sản này đã được thế chấp vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Đông Á, bản chất giao dịch là quá trình xử lý nợ của ngân hàng.
VKSND thị xã La Gi cho rằng, tòa cấp sơ thẩm tuyên án như trên là không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nên đã quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tháng 8/2016, VKSND tỉnh Bình Thuận cũng có công văn đề nghị VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị huỷ bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận và bản án sơ thẩm của TAND thị xã La Gi.
VKSND tỉnh Bình Thuận khẳng định, bản chất của việc xóa đăng ký thế chấp là do các bên thỏa thuận để bà Khánh Ly chuyển tiền vào Ngân hàng Đông Á trả nợ thay cho vợ chồng ông bà Hùng, Thuận để lấy giấy tờ nhà đất ra, sau đó mới ký hợp đồng và mới công chứng hợp đồng được.
Do vậy, việc định đoạt tài sản của vợ chồng bà Thuận phụ thuộc vào bà Khánh Ly. Mặc khác, tuy tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng tòa án không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu với lý do các đương sự không có yêu cầu là không giải quyết đầy đủ và toàn diện vụ án... ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.
Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền khác cũng có nhận định “việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông Hùng, bà Thuận và bà Khánh Ly là hợp pháp, không có dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản”.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Khánh Ly cũng liên tiếp chứng minh và gửi các văn bản kiến nghị đến các cơ quan tư pháp trung ương để khẳng định việc chuyển nhượng nhà đất giữa ông Hùng, bà Thuận với bà Khánh Ly là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trước sức nặng của các lập luận, chứng cứ mà VKSND 2 cấp và luật sư đưa ra, dường như “thẩm phán” đã phớt lờ thực tế khách quan đó là, tài sản thực chất được bán để xử lý nợ, tất toán cho khoản vay trước đó của chủ nhà với ngân hàng. Với những khoản vay này, pháp luật buộc ngân hàng đăng ký giao dịch bảo đảm, đây là một loại giao dịch mà tài sản bảo đảm là bất khả xâm phạm đối với bất kỳ khoản nợ, hay giao dịch nào khác.
Bà Khánh Ly tiếp tục kêu oan tới “cửa trên” để được giải quyết. Ngày 1/3/2018, Tòa án cấp cao tại TP HCM đã ra quyết định giám đốc thẩm 153. Theo quyết định này, Hội đồng Giám đốc thẩm đã hủy bản án dân sự phúc thẩm số 89 của TAND tỉnh Bình Thuận và bản án dân sự sơ thẩm số 16 của TAND thị xã La Gi để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Lý do, TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng.
Sau hơn hai năm bản án bị hủy, vụ việc của bà Khánh Ly vẫn đang bị kéo dài, không được giải quyết dứt điểm. Tính đến nay, bà Khánh Ly đã thiệt hại hàng tỷ đồng để đòi công bằng cho chính mình. Tài sản là nhà đất của bà Khánh Ly hiện đã bị kê biên thi hành án, số tiền 1,2 tỷ ban đầu dùng để mua nhà đứng trước nguy cơ “mất trắng”.
Với những thiệt hại mà bà Khánh Ly phải chịu, đứng trước viễn cảnh “mịt mù”, trong khi đó Thẩm phán làm sai vẫn bình an vô sự. Quá “uất nghẹn”, bà Khánh Ly đã làm đơn tố cáo hai Thẩm phán vì đã ra bản án trái pháp luật.
Hiện, các cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, làm rõ hành vi vi phạm theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Khánh Ly.