- Theo luật sư, hành vi phạm tội của nghi phạm đã gây tang thương mất mát không gì bù đắp được cho gia đình bị hại. Nếu nghi phạm có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì sẽ phải đối mặt hình phạt chung cho cả hai tội cao nhất đến tử hình.
Công an tỉnh Đắk Lắk đang tạm giữ hình sự Nguyễn Quang Hùng (28 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột) để điều tra về hành vi giết người. Hùng được xác định là nghi phạm sát hại chị H. (SN 1998, ngụ cùng địa phương) trong rẫy cà phê của gia đình.
Tại cơ quan điều tra, Hùng khai nhận, đầu tháng 10/2019, thông qua việc chơi điện tử đã quen biết với H.. Mặc dù cả 2 người đã kể cho nhau nghe chuyện đã có gia đình, con cái nhưng vẫn đến với nhau.
Ngày 10/12, cả 2 rủ nhau về chòi rẫy nhà Hùng tại thôn 22 để quan hệ tình dục. Đến chiều 25/12, sau khi chơi điện tử xong, Hùng và nạn nhân tiếp tục chở nhau về chòi rẫy của gia đình nghi phạm.
Sau khi quan hệ xong, H. lấy điện thoại của mình mở cho Hùng xem clip quay lại cảnh 2 người quan hệ tình dục trước đó. Lúc này, nạn nhân nói với Hùng cho mượn 30 triệu đồng nếu không sẽ gửi clip cho vợ nghi phạm biết. Sợ mọi chuyện bại lộ nên Hùng đã ra tay siết cổ nạn nhân đến chết rồi kéo ra vứt trong rẫy cà phê của gia đình.
Sau khi gây án, Hùng lấy sợi dây chuyền vàng, 2 chiếc nhẫn của nạn nhân mang đi bán. Tuy nhiên, 2 chiếc nhẫn không có người mua nên Hùng vứt bỏ, còn chiếc xe máy của Hường tên này mang vứt hồ Ea Kao, cách hiện trường khoảng 6 km.
Sáng 30/12, một người dân đi thăm rẫy đã phát hiện một thi thể đang phân hủy. Lúc này, nạn nhân tử vong trong tình trạng quần tụt xuống ngang đùi, áo kéo lên đến cổ.
Ngoài ra, trên cổ nạn nhân có vết siết bằng ống tay áo, bàn tay phải bị mất không tìm ra. Đến rạng sáng 31/12, chiếc xe máy hiệu Vison của nạn nhân cũng được tìm thấy.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng hành vi phạm tội của nghi phạm là đặc biệt nghiêm trọng khi tước đoạt quyền được sống là quyền cao quý nhất của con người.
Để làm rõ bản chất hành vi phạm tội của nghi phạm cần phải đợi kết quả điều tra. Theo lời khai ban đầu của nghi phạm đã rủ chị H đến chòi rẫy nhà Hùng để quan hệ tình dục. Sau đó chị H. lấy điện thoại của mình mở cho Hùng xem clip quay lại cảnh 2 người quan hệ tình dục trước đó và yêu cầu cho vay 30 triệu đồng nếu không sẽ gửi clip cho vợ nghi phạm biết. Do lo sợ, nghi phạm đã siết cổ nạn nhân đến chết rồi kéo ra vứt trong rẫy cà phê của gia đình.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, đây chỉ là lời khai ban đầu một phía của nghi phạm. Lời khai nhận của nghi phạm phải phù hợp với các chứng cứ khách quan được thu thập trong quá trình điều tra như kết luận giám định về nguyên nhân chết, thời gian chết, cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể, biên bản khám nghiệm hiện trường, các vật chứng thu giữ, các dữ liệu tin nhắn điện tử, …
Bản chất tội phạm là luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội hoặc không nhận tội. Nghi phạm bị bắt giữ thường có xu hướng tìm cách khai báo giảm nhẹ tính chất mức độ hành vi và nếu có thể sẽ đổ lỗi cho người bị hại đã chết.
Trong vụ án này, không loại trừ khả năng nghi phạm còn chưa thực sự thành khẩn khai nhận đúng động cơ mục đích sát hại chị H nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nghi phạm khai chị H tự nguyện đến nhà nghi phạm để quan hệ tình dục và sau đó cho xem clip và gây sức ép yêu cầu cho vay tiền là có nhiều mâu thuẫn và cần có chứng cứ vật chất để chứng minh lời khai này như clip lưu trong điện thoại nạn nhân, các tin nhắn tình cảm trước đó giữa 2 người,….
Thông thường phụ nữ đang có chồng con mà ngoại tình thì rất khó có khả năng quay clip quan hệ tình dục lưu trong điện thoại và lại dùng clip đó gây sức ép với người tình để vay tiền. Nếu để mọi người biết thì chính mình là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn so với người đàn ông. Chị H đã có gia đình và có thực sự bức bách cần 30 triệu và đến nhà nghi phạm có phải để quan hệ tình cảm hay không thì sẽ được Cơ quan điều tra làm sáng tỏ khi có căn cứ chứng minh.
Sau khi sát hại nạn nhân, nghi phạm đã chiếm đoạt dây chuyền vàng của nạn nhân đem đi bán đã phần nào nói lên bản chất hành vi phạm tội của nghi phạm đang cần tiền. Chiếc xe máy nếu bán hoặc cầm cố sẽ bị phát hiện nên nghi phạm đem vứt tại hồ Ea Kao, cách hiện trưởng khoảng 6 km để đánh lạc hướng điều tra và nhằm che giấu hành vi phạm tội.
"Dưới góc độ pháp luật, hành vi sát hại dã man chị H và sau đó chiếm đoạt tài sản dây chuyền vàng và xe máy (đem vứt bỏ để che giấu hành vi phạm tội) thì nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người và tội Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm e, n, Khoản 1 Điều 123 và Khoản 1 Điều 168 BLHS.
Xét hành vi phạm tội của nghi phạm không những đã tước đoạt đi tính mạng của người khác và còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Trong cùng một thời điểm, nghi phạm đã phạm hai tội, trong đó có một tội đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất đến tử hình", luật sư Thơm nói.
Cũng theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của nghi phạm đã gây tang thương mất mát không gì bù đắp được cho gia đình bị hại và gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trong tình hiện nay. Nếu nghi phạm có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì sẽ phải đối mặt hình phạt chung cho cả hai tội cao nhất đến tử hình.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.