(VnMedia) - Trong tuần qua, 2 phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La đều diễn ra. Đây là 2 vụ án thu hút sự chú ý dư luận bởi hành vi của các bị cáo đã gây rúng động xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin về một nền giáo dục trong sạch, không tiêu cực.
![]() |
Bị cáo thừa nhận nâng điểm thi cho 107 thí sinh tại Hà Giang
Ngày 14/10, TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên xử sơ thẩm xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm cho hàng loạt thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Có 5 bị cáo bị truy tố. Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính (51 tuổi) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015; Bị can Phạm Văn Khuông (60 tuổi) và bà Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) cùng bị xét xử về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.
Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (41 tuổi, cựu phó phòng) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo buộc, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị can Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh. Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Lương cũng là người thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp, sửa kết quả 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh để nâng điểm.
![]() |
Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn trắc nghiệm gồm toán, ngoại ngữ, hóa và lý. Thí sinh được nâng ít nhất 2,2 điểm với 1 môn.
Trong phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều thừa nhận hành vi bàn bạc, lên kế hoạch thực hiện nâng điểm thi cho 107 thí sinh. Trong khi đó, bị cáo Triệu Thị Chính đã cho rằng bản thân không phạm tội. Bị cáo Chính khai chỉ đưa danh sách 13 thí sinh nhờ xem điểm môn Ngữ Văn, không thống nhất với Hoài về số điểm cần nâng đối với bất kỳ thí sinh nào.
Những người có liên quan, nhân chứng của vụ án đều khai rằng không có việc nhờ vả nâng điểm mà chỉ là "nhờ xem điểm". Chủ tọa phiên tòa cho rằng: "Nhờ xem điểm sao kết quả lại nâng điểm? "Không quà cáp gì mà bao nhiêu người nhờ để bị cáo phải vào vòng lao lý như thế? Các ông, bà suy nghĩ thế nào mà khẳng định không nhờ nhưng kết quả lại thành nâng điểm...?"
Trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, VKSND đã đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài từ 8 đến 9 năm tù. Bị cáo Vũ Trọng Lương từ 7 đến 8 năm tù; bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Phạm Văn Khuông từ 1 đến 1 năm 6 tháng tù treo.
Về hình phạt bổ sung, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1-3 năm.
Dự kiến, ngày 25/10 tòa sẽ tiến hành tuyên án.
![]() |
Trả hồ sơ để làm rõ việc đưa - nhận hối
Sau một ngày khi phiên toà xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang được mở, ngày 15/10, HĐXX TAND tỉnh Sơn La cũng mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 ở tỉnh này.
Có 8 bị cáo bị truy tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Trần Xuân Yến (nguyên PGĐ Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La); Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La); Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La); Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Theo cáo buộc, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 8 người bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nâng điểm cho 44 thí sinh trong các ngày từ 29/6 đến 3/7/2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định đã hạ điểm của các thí sinh này. Người bị hạ nhiều nhất tới 26,55 điểm cho ba môn, điểm thực tế chỉ là Toán 0 điểm, Vật Lý 0,25 điểm, Tiếng Anh 0,2 điểm. 5 thí sinh bị hạ mỗi người trên 22 điểm.
Bà Nga khai nhận hơn một tỷ đồng để nâng điểm cho bốn em và sau đó đã tự nguyện nộp cho Cơ quan An ninh điều tra. Bị can Huynh nhận một tỷ đồng của một người đàn ông ở thành phố Sơn La để nâng điểm cho hai thí sinh, 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh. Bị can Thuỷ nhận 500 triệu đồng của ba người và bị can Sọn nhận 440 triệu để sửa điểm cho một thí sinh.
Quá trình điều tra xác định có 18 trường hợp trung gian nhận thông tin từ người nhà các thí sinh hoặc thông qua người khác. Trong số này hai người không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh, 16 người thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhưng chỉ "nhờ xem trước điểm thi".
Tại phiên toà xét xử, do phát sinh một số tình tiết mới liên quan việc đưa và nhận hối lộ nhưng không thể làm rõ tại tòa, VKSND tỉnh Sơn La đề nghị HĐXX ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các luật sư cũng cho rằng với diễn biến xảy ra tại tòa, cần thiết trả hồ sơ để làm rõ sự thật khách quan.
Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tra hồ sơ để điều tra bổ sung do có căn cứ cho rằng ngoài hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ mà VKSND truy tố, các bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.
Ngoài ra, cũng có căn cứ cho rằng có đồng phạm khác, người khác thực hiện hành vi tội phạm nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
P.Mai