- Theo luật sư, để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề...
Liên quan đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, UBND quận Thanh Xuân đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP. Hà Nội về sự việc.
Theo đó, vụ cháy đã xảy ra vào hồi 18h05 ngày 28/8. Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa và nhà xưởng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Động. Tổng diện tích nhà kho có diện tích khoảng 6.000m2 bị cháy nằm tại phía Đông Nam khuôn viên Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Các phần bị cháy bao gồm: Kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.
Quận Thanh Xuân đã huy động 200 cán bộ chiến sỹ và 35 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Ngay sau khi đám cháy diễn ra, các lực lượng chức năng đã tiến hành hỗ trợ di chuyển tài sản đối với 58 hộ dân với 213 nhân khẩu dọc tuyến phố Hạ Đình thuộc 2 phường: Thanh Xuân Trung, Hạ Đình ra khỏi khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi đám cháy, đảm bảo không ảnh hưởng đến người và các tài sản lớn có giá trị của người dân.
Theo thống kê, đã có tới 50 xe chữa cháy được huy động để dập lửa - con số lớn nhất xe được huy động trong hơn 10 năm qua. Đến khoảng 23h30, đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Tuy nhiên, phía trong nhà kho vẫn có những khu vực cháy trở lại và chỉ được dập tắt hoàn toàn vào lúc 0h20 ngày 29/8.
Theo báo cáo, vụ cháy tuy không có thiệt hại về người; nhưng một khối lượng lớn tài sản đã bị thiêu rụi. Hiện công tác thống kê làm rõ thiệt hại về tài sản và điều tra nguyên nhân đang được gấp rút tiến hành.
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội được giao chủ trì phối hợp với Công an quận Thanh Xuân điều tra nguyên nhân vụ cháy; Công an phường Thanh Xuân Trung và các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh an toàn đối với các hộ dân xung quanh khu vực.
Sau vụ cháy, dư luận đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm? Về câu hỏi này, trao đổi với VnMedia, luật sư Đỗ Thế Điệp (Đoàn luật sư tỉnh Điện Biên) cho biết, đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng hậu quả đã gây thiệt hại lớn về tài sản.
Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về tài sản.
Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, luật sư Điệp cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định 79/2014, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy: "Để xảy ra cháy, trước tiên, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, cơ quan phê duyệt dự án, cơ quan cấp giấy phép xây dựng và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng công trình"
" Về nguyên tắc, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Điệp nói.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ giải quyết như nào?
+ Trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.
Nếu người của pháp nhân gây ra, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro.
Căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc. Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì Bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP như sau:
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này (trừ cơ sở hạt nhân), doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:
- Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.
- Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
- Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.
- Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.
- Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.
- Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.
- Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.
- Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
- Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.
Phương Mai