Ông Đinh La Thăng có được thay đổi tội danh sau ngày 1/1/2018?

05:56, 26/12/2017
|

(VnMedia) - Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên tội danh này sẽ không còn từ 1/1/2018. Vậy, ông Thăng có được thay đổi tội danh hay không?

Ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng

Mới đây, ông Đinh La Thăng và hàng loạt cựu quan chức một số tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRA), Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)... đã bị khởi tố, đề nghị truy tố về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.

Tuy nhiên, chỉ còn 5 ngày nữa, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 sẽ hết hiệu lực và Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 sẽ không còn.

Câu hỏi đặt ra, việc xử lý những người đã bị khởi tố về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 sẽ như thế nào?

Để làm rõ câu hỏi ở trên, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội). Luật sư Thơm cho biết: Bộ luật Hình sự 2015 có quy định một số loại tội phạm khác có liên quan đến hành vi cố ý làm trái như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ....

Căn cứ Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 20/6/2017 hướng dẫn thi hành BLHS quy định riêng biệt đối với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo BLHS 1999", ở Điều 159, hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó, vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý.

"Vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội", luật sư Thơm nói.

Cũng theo Luật sư Thơm, ở điều 159 cũng nêu rõ, tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 mà áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

"Căn cứ quy định này thì những vụ án khởi tố theo Điều 165 BLHS năm 1999 mà các cơ quan tố tụng khởi tố trước 1/1/2018 thì vẫn tiếp tục xử lý", luật sư Thơm khẳng định.

Điều 165, Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" như sau: 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: 

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác 

b) Có tổ chức 

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt 

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.  4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc