Thanh niên dùng súng khống chế nữ y tá có dấu hiệu tâm thần?

11:16, 31/10/2017
|

(VnMedia) - Theo nhận định của Luật sư, hành động của đối tượng không chỉ là biểu hiện của việc sử dụng ma túy “ngáo đá” mà còn có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...

Đối tượng Trần Đức Anh. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)
Đối tượng Trần Đức Anh. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an thành phố Hà Nội) đang tạm giữ đối tượng Trần Đức Anh (23 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi dùng súng uy hiếp, bắt cóc nữ điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (ở huỵện Thường Tín, TP. Hà Nội).

Trước đó, sáng ngày 29/10 Trần Đức Anh mặc áo khoác, vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân (Viện Pháp y tâm thần Trung ương). Đối tượng này yêu cầu cho gặp bạn đang điều trị tại đây tên là Hoàng.

Khi không được đáp ứng, Đức Anh rút khẩu súng dạng K59 cùng một dao găm khống chế một nhân viên điều dưỡng rồi đưa ra ngoài đường. Đối tượng tiếp tục chặn một chiếc xe taxi, đưa nạn nhân lên xe và yêu cầu lái xe taxi đi tiếp.

Đến một cửa hàng bán hoa ở thị trấn Thường Tín, đối tượng yêu cầu dừng xe, khống chế nạn nhân vào cửa hàng hoa và đưa ra yêu sách là đưa một xe ô tô đến đón để thoát khỏi hiện trường.

Đến 11h15 cùng ngày, PC45 cùng Công an huyện Thường Tín đã giải cứu an toàn bị hại, khống chế được nam thanh niên và thu giữ toàn bộ tang vật.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi phạm Tội của đối tượng đã có những dấu hiệu bất thường về tâm lý hành vi. Động cơ mục đích phạm tội của đối tượng khi khống chế bắt nữ hộ lý Bệnh viên tâm thần TW do không được gặp bạn Trương Kim Hoàng đang điều trị bệnh tâm thần nên bắt con tin nhằm thực hiện yêu sách. Nếu như người bình thường về nhận thức thì không ai lại hành động xử sự như vậy.

Quá trình Trung tá, Đội trưởng Đặc nhiệm Dương Minh Tùng lái xe trên đường chở đối tượng và con tin đã có những lời nói, hành động thể hiện trạng thái thần kinh không bình thường. Trung tá Tùng vừa lái xe, vừa gợi chuyện: “Anh nghe nói chú em quá nhiệt tình, vào tận bệnh viện để cứu đàn anh, thế mà không sợ à?”. Đức Anh nói: “Tao là con trai thần Zeus nên bất tử, không chết được thì sao phải sợ”. 

Trung tá Tùng thăm dò thêm: “Anh rất nể chú em, pha vừa rồi hành động không khác gì anh hùng Lương Sơn Bạc”. Đến lúc này thì Đức Anh lộ rõ tâm lý của kẻ “ngáo đá”, hắn cho biết đúng là mình vừa từ Lương Sơn Bạc xuống và thao thao về hành động nghĩa hiệp của các nhân vật trong truyện Thủy Hử...

Theo nhận định của Luật sư Thơm, hành động của đối tượng không chỉ là biểu hiện của việc sử dụng ma túy “ngáo đá” mà còn có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bệnh tâm thần này có khả năng do sử dụng ma túy trong suốt thời gian dài gây ra.

Do đó, để có căn cứ đối tượng về Tội bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật hình sự, Cơ quan điều tra sau khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Bị can thì cần thiết xem xét trước khi phạm tội đã điều trị bệnh tâm thần hay chưa, quá trình lấy lời khai có những biểu hiện bất thường về tâm lý hay không để ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp kết luận của Cơ quan giám định tâm thần xác định Bị can bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đối tượng sẽ được giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 46 BLHS:

“Người phạm tội là người có bệnh hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Nếu kết luận của Cơ quan giám định xác định bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và điều khiển nhưng cần thiết phải tiếp tục điều trị thì vụ án sẽ được tạm đình chỉ cho đến khi điều trị bệnh tâm thần được ổn định sẽ phục hồi điều tra.

Trường hợp, Cơ quan giám định tâm thần xác định bị cáo khi phạm tội mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vụ án sẽ được đình chỉ. Bị can sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật 

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

c) Đối với người thi hành công vụ; 

d) Phạm tội nhiều lần; 

đ) Đối với nhiều người. 

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc