Vụ hai tử tù trốn thoát: Phòng biệt giam được quản lý như thế nào?

20:10, 14/09/2017
|

Từ vụ hai tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ trốn thoát khỏi trại biệt giam, nhiều người thắc mắc phòng giam giữ tử tù được xây dựng, quản lý như thế nào?

Tử hình được hiểu là tước đi quyền sống của người bị kết án, loại trừ vĩnh viễn một con người ra khỏi đời sống xã hội và vì thế nó chỉ được quy định, áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và theo một trình tự pháp lý rất chặt chẽ.

Chính sách hình sự ở nước ta đã thu hẹp các tội liên quan đến hình phạt tử hình nên hình phạt tử hình chủ yếu được áp dụng đối với các tội phạm liên quan đến ma túy, giết người và một số ít hơn về tội hiếp dâm trẻ em, tham ô tài sản...

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hình phạt tử hình nên sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, không có kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm và Chủ tịch Nước bác đơn xin tha tội chết thì các phạm nhân sẽ phải thi hành bản án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc theo quy định của luật Thi hành án hình sự.

Trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc quản lý, giam giữ theo luật Thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Hai tử tù vừa trốn khỏi phòng biệt giam
Hai tử tù vừa trốn khỏi phòng biệt giam

 

Cụ thể, theo hướng dẫn tại thông tư 39/2012/TT-BCA quy định: Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Buồng giam người bị kết án tử hình được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam giữ người bị kết án tử hình.

Khu vực buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24h trong ngày.

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24h); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân.

Trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.

(Theo Lao động)

 


Ý kiến bạn đọc