Luật sư lên tiếng vụ cô gái bị lột trần, xé nội y giữa đường

07:26, 06/09/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, việc nhóm người tham gia đánh ghen cô gái là hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ của người khác; xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ; gây rối trật tự trên địa bàn.

Hình ảnh cô gái trẻ bị đánh ghen kinh hoàng giữa đường. Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh cô gái trẻ bị đánh ghen kinh hoàng giữa đường. Ảnh cắt từ clip

Liên quan đến vụ cô gái trẻ tên K. (SN 1990, quê Lào Cai) bị nhóm người đánh ghen kinh hoàng: cắt tóc, xé áo, giật toang nội y giữa đường ở khu vực làng Trại Cúp, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm về hành vi của những người tham gia vào việc đánh ghen.

Theo luật sư, việc nhóm người tham gia đánh ghen là hành vi xâm phạm đến 3 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là tính mạng sức khỏe của người khác, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ và gây mất trật tự trị an nơi công cộng.

"Nhóm người tham gia đánh ghen cô gái là hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ của người khác; xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ; gây rối trật tự trên địa bàn", luật sư Thơm nói.

Để xử lý hình sự về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác và xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người phụ nữ thì người bị hại (cô gái bị đánh ghen) phải có đơn yêu cầu xử lý gửi đến các cơ quan chức năng địa phương.

Sau đó, cơ quan chức năng sẽ đưa nạn nhân đi giám định thương tật, nếu phần trăm thương tật cao thì cơ quan công an sẽ tiến hành xử lý về hành vi cố ý gây thương tích.

Cũng theo luật sư Thơm: Trong trường hợp thương tích không đáng kể để xử lý hình sự thì cơ quan công an hoàn toàn có thể xử lý những người tham gia đánh ghen này về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 BLHS.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

"Tuy nhiên, hai tội này đều là tội xử lý theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 BLHS. Tức là người bị hại có đơn yêu cầu gửi đến cơ quan công an thì người ta mới xử lý.

Còn nếu người bị hại không có đơn yêu cầu, trình báo xử lý những người vi phạm thì cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý những người đánh ghen về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bởi hành vi đánh ghen của nhóm người này ở ngay giữa đường đã gây láo loạn khu dân cư, gây bức xúc trong xã hội", luật sư Thơm nêu quan điểm.

Luật sự Thơm cho biết thêm, hành vi gây rối trật tự công cộng tuỳ theo tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS", Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh cô gái trong tình trạng không mặc quần, bị một nam thanh niên cùng 3 người phụ nữ khống chế, đánh ghen.

Theo nội dung clip ghi lại, nhóm người đánh ghen khống chế cô gái trẻ rồi cắt tóc, giật toang nội y ngay giữa tuyến đường thuộc xã Bá Hiến.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an xã Bá Hiến cho biết, cô gái bị đánh ghen là chị K. (SN 1990), công nhân làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo Công an xã Bá Hiến cũng thông tin, theo xác minh ban đầu, chị K. có quan hệ ngoài luồng với anh N. (ở xã Thiện Kế, Bình Xuyên) nhưng bị chị Đường (vợ anh N.) phát hiện.

Sáng ngày 3/9, chị Đường và bà Liên (mẹ chị Đường) cùng chị Hiền, anh Đông và anh Vinh (đều là cháu bà Liên, cùng trú ở xã Thiện Kế) tới phòng trọ chị K. ở xã Bá Hiến, thì bắt gặp cảnh anh N. đang ngủ ở trong phòng cùng chị K. Tức giận, chị Đường cùng người thân đã đánh ghen chị K..

Một cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chị K. chưa tới cơ quan công an làm việc.

Liên quan đến vụ việc, ngày 5/9, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công an huyện Bình Xuyên đã triệu tập các đối tượng tham gia vụ đánh ghen trên.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng.

Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

....

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc