Tội danh nào cho 'Anh hùng ra tay cứu mỹ nhân' gây chết người?

16:55, 07/05/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi phạm tội của Tặng là do bột phát, xuất phát từ động cơ mong muốn ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và đã gây nên cái chết cho nạn nhân...

Chiều ngày 6/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định tạm giữ hình sự Đinh Quang Tặng (36 tuổi, trú tại thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc) về hành vi giết người.

Đây là vụ án hy hữu trên xảy ra lúc 8h15 sáng cùng ngày, tại thôn Chằm, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương).

Đinh Quang Tặng tại Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương. Ảnh: CAND
Đinh Quang Tặng tại Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương. Ảnh: CAND

Theo đó, vào sáng 6/5, một người đàn ông chừng 30 tuổi, người lấm đầy bùn đất, dẫn theo một cô gái trẻ đến Công an huyện Gia Lộc tự thú. Người đàn ông khai tên Đinh Quang Tặng khai rằng, anh ta vừa đánh chết một người đàn ông do nghi ngờ người này có hành vi đồi bại với một cháu gái... Sau khi được động viên, người đàn ông khai tên là Đinh Quang Tặng.

Quá trình điều tra cơ quan công an xác định, khoảng hơn 8h cùng ngày 06/5, ông Chương và chị Ph. ra vườn chuối cạnh xưởng sản xuất hương Thu Hiền để quan hệ. Trong lúc này, Tặng vô tình đi qua. Nghĩ là ông Chương có hành vi xấu với Ph. nên anh ta đã ra tay “cứu mỹ nhân”, dùng chân, tay đấm đá vào vùng mặt, vùng bụng ông Chương. Sau khi đánh ông Chương tử vong, "anh hùng" mới biết là ra tay nhầm nên đã chở chị Ph. đến Công an huyện Gia Lộc để tự thú.

Tại cơ quan Công an, Đinh Quang Tặng đã khai nhận hành vi của mình. Được biết, anh này từng có một tiền án về hành vi gây rối trật tự công cộng, bị Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc xử phạt 18 tháng án treo. 

Về vụ việc trên, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) để làm rõ hơn về tội danh mà Đinh Quang Tặng đã phạm phải.

Theo quan điểm của luật sư Thơm: Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” 

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Đánh giá tính chất mức độ, nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ mục đích hành vi phạm tội của Đinh Quang Tặng trong vụ việc này để làm căn cứ xác đinh tội danh cho đối tượng thì thấy rằng:

Xuất phát từ động cơ mục đích là nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục của ông Chương đối với cháu Phạm Thị Ph (18 tuổi, trú tại Hải Dương). Khi Đinh Quang Tặng đi ngang qua khu vườn chuối thì Tặng nhìn thấy ông Chương đã có hành vi tình dục với một cháu gái còn ít tuổi nên Tặng đã nghi ngờ người đàn ông này có hành vi đồi bại xâm hại tình dục trẻ em nên đã ra tay “cứu mỹ nhân”, dùng chân, tay đấm đá vào vùng mặt, vùng bụng ông Chương. Sau khi đánh ông Chương tử vong, "anh hùng" mới biết là ra tay nhầm nên đã chở chị Ph. đến Công an huyện Gia Lộc để tự thú.

Hành vi dùng chân tay đấm đá vào vùng mặt, bụng ông Chương gây tử vong là lỗi cố ý. Do đó, đối tượng phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Chương.

Tuy nhiên xét về động cơ mục đích thì thấy rằng: Đinh Quang Tặng và ông Chương không có quan hệ quen biết và mâu thuẫn gì trước đó. Hành vi phạm tội của Tặng là do bột phát, xuất phát từ động cơ mong muốn ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng do nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ nội dung sự việc nên đã bột phát dùng chân tay đấm đá ông Chương dẫn tới bị tử vong. Về ý thức chủ quan, Tặng không có thù oán, mâu thuẫn và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra.

Xét về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi thì Tặng chỉ dùng chân tay không đấm đá ông Chương với mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật . Do đó, xét một cách tổng thể toàn bộ diễn biến trong vụ việc này thì hành vi phạm tội của Đinh Quang tặng có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 3 Điều 104 BLHS 1999.

Để xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác chúng ta cần làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản:

+ Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người

+ Mặt khách quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện các hành vi tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe như: đấm đá, đâm, chém,..

Trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là người phạm tội về mặt chủ quan chỉ muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người đó chứ không mong muốn nạn nhân chết.

+ Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ, mục đích chỉ muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người đó chứ không mong muốn nạn nhân chết.

Để chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội là không mong muốn nạn nhân chết, chúng ta cần phải xem xét mối quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân về nguyên nhân mâu thuẫn, động cơ, mục đích, cách thức thực hiện hành vi gây ra cái chết cho nạn nhân,…

+ Mặt chủ thể của tội phạm:

Người từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 1, 2) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 3 và 4) có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung.

 


Ý kiến bạn đọc