Vướng mắc trong việc xử phạt hộ gia đình

08:38, 28/01/2016
|

(VnMedia) - Trên thực tế, đối với đối tượng vi phạm là hộ gia đình, do không có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc xử phạt vợ hay chồng, hay cả hai vợ chồng hoặc cả hộ gia đình.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc năm 2015. Trong đó, liên quan đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu về xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay, trong tổng số 26 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính có quy định thẩm quyền chung của các chức danh có thẩm quyền xử phạt, tính đến thời điểm hiện nay, có 07 nghị định đang được các cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành (đối với các nghị định này, Bộ Tư pháp đã có ý kiến góp ý và thẩm định, trong đó có nội dung về phân định thẩm quyền xử phạt); 02 nghị định do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo đã được rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; còn 17 nghị định chưa được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành rà soát và phân định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về đối tượng xử phạt, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên trên thực tế phát sinh các đối tượng vi phạm là hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo… Một số Nghị định đã bổ sung các đối tượng xử phạt ngoài cá nhân và tổ chức, ví dụ như Nghị định số 102/2014/NĐ-CP (điểm a khoản 1 Điều 2) quy định bổ sung đối tượng hộ gia đình, cộng đồng dân cư và áp dụng mức xử phạt như đối với cá nhân.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, trên thực tế, đối với đối tượng vi phạm là hộ gia đình, do không có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc xử phạt vợ hay chồng hay cả hai vợ chồng hay là cả hộ gia đình.

Những khoảng trống trong xử lý hành chính vì chậm ban hành các Nghị định của Chính phủ

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính nhấn mạnh, việc chậm ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành tạo ra những khoảng trống trong quá trình triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ như Nghị định quy định về biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức .; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ; Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, tôn giáo...

Báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ ra rằng, Chính phủ chưa hướng dẫn việc xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính ở địa phương, do vậy chưa có cơ chế giám sát, theo dõi, chia sẻ và cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm hành chính nên trên thực tế khó xác định các trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm pháp luật hành chính để áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC và thực hiện nhiệm vụ gửi các văn bản, quyết định về công tác xử lý vi phạm hành chính cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Ý kiến bạn đọc