Báo Pháp luật triển khai Đề án "Chung tay xóa nghèo pháp luật" hướng về biên giới biển đảo

15:13, 28/01/2016
|

(VnMedia)- Hôm nay 28/1, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật” hướng về biên giới biển đảo và gặp mặt Cộng tác viên xuân Bính Thân.

Vào lúc 10h30, Báo Pháp luật Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ đã thực hiện Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp và tài trợ thực hiện Đề án. Lễ ký là biểu tượng cho việc hợp tác, phối hợp thực hiện một Đề án có ý nghĩa xã hội và khẳng định việc tiếp tục chung tay cùng Báo thực hiện hoạt động xã hội này.

Chứng kiến Lễ ký, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo công tác của Báo và tri ân đối với cộng tác viên, đối tác của Báo. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định, Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật“ có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, được xây dựng trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, một sáng kiến thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Báo Pháp luật Việt Nam khởi xướng và được nhiều doanh nghiệp đồng hành thực hiện trong nhiều năm qua. 

tr
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa cộng tác viên tiêu biểu của Báo.

Với ý nghĩa và vai trò tích cực của Chương trình trong việc vận động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Báo kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của các doanh nghiệp và sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương đối với việc thực hiện chương trình cấp phát miễn phí ấn phẩm báo chí cho đối tượng thụ hưởng. 

tr
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tiến sỹ, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội bày tỏ sự xúc động và chân thành cảm ơn các vị đại biểu, các cộng tác viên... đã không quản ngại giá rét đến tham dự Hội nghị và tham gia Lễ ký kết triển khai đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật“.

"Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục đổi mới, đoàn kết và sáng tạo. Với sự tin tưởng, tạo điều kiện, hợp tác và đồng hành của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực đi lên để đạt những thành quả ngày càng cao và các hoặt động xã hội càng ý nghĩa hơn", Tiến sỹ Đảo Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nói.

Việc thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” đã có những tác động tích cực đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại các địa phương được nhận các ấn phẩm của Báo theo chương trình, cán bộ và nhân dân rất phấn khởi, cảm động trước việc làm của Báo Pháp luật Việt Nam; coi ấn phẩm của Báo là kênh thông tin quan trọng để biết chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam trở thành cầu nối thông tin, tài liệu hữu ích cho các cán bộ tư pháp xã cập nhật các văn bản pháp luật mới, các câu chuyện, tình huống pháp luật để vận dụng vào giải quyết công việc cho người dân tại địa phương; là nguồn tư liệu sinh động, thực tế hàng ngày cho cán bộ và nhân dân các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.
 
Về nội dung, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức cấp phát các ấn phẩm báo của Báo Pháp luật Việt Nam là kênh tuyên truyền hiệu quả do các thông tin pháp luật được truyền tải bằng các bài báo; thông tin về các vấn đề pháp luật được tuyên truyền thường xuyên, liên tục và gắn liền với các vấn đề thời sự xã hội, pháp luật gần gũi với đời sống của người dân nên người đọc dễ tiếp thu và vận dụng. Do dó, mô hình tuyên truyền này rất thiết thực và hiệu quả đối với bộ phận người dân được tiếp cận thông tin pháp luật qua các ấn phẩm của Báo.

Để chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, ngày 12/01/2016, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 43/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” và giao cho Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện Đề án, với sự phối hợp của các Bộ: Thông tin truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn luật sư Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố liên quan. Đề án được thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2018.

Với việc thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, Báo Pháp luật Việt Nam đã tiên phong thực hiện công tác xã hội hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là sáng kiến rất thiết thực và hiệu quả cần được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, sự hỗ trợ đồng hành của toàn xã hội, của các nhà doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để chương trình tiếp tục duy trì và phát triển. 

Thành lập ngày 10/7/1985, sau 30 năm phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành tờ báo hàng đầu trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã có 9 ấn phẩm báo in và báo điện tử với 15 phòng, ban, gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm việc tại trụ sở chính tại Hà Nội và 6 cơ quan đại diện trong cả nước. Báo Pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích cao như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội về thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế…Cá nhân Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam là đại diện duy nhất của ngành Tư pháp đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua Toàn quốc năm 2015 được vinh danh trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tổ chức ngày 7/12/2015.


Ý kiến bạn đọc