Uber: "Phần lớn lợi nhuận thuộc về lái xe Việt Nam"

14:01, 13/01/2016
|

(VnMedia) -Trước nhiều thông tin trái chiều về hoạt động của Uber trong những ngày qua, lãnh đạo công ty này khẳng định công ty đang làm đúng luật, và phần lớn lợi nhuận thu được thuộc về đối tác lái xe Việt Nam.

Trong thông tin phát đi sáng 13/1, ông Đặng Việt Dũng, giám đốc Uber Việt Nam, cho biết trong những ngày vừa qua, có rất nhiều tranh luận về hình thức hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam nhưng Uber xác nhận rằng công ty luôn tuân thủ các quy định về thuế và chi trả đầy đủ các khoản thuế tại mọi thị trường mà  Uber có mặt.

Các đối tác vận tải và các tài xế đối tác của chúng tôi tại Việt Nam đóng vai trò như nhà cung cấp dịch vụ vận tải trong các hành trình Uber. Còn nền tảng công nghệ của Uber đóng vai trò như nhà cung cấp các dịch vụ về kết nối và xử lý thanh toán cho các đối tác vận tải như: (1) thu hộ phí vận tải và (2) dịch vụ chuyển tiền. Các đối tác vận tải sẽ nhận về 100% tất cả các khoản thu dịch vụ vận tải từ những chuyến đi mà họ đã thực hiện với ứng dụng Uber, đây chính là phần thu nhập của các đối tác vận tải. Các đối tác vận tải có trách nhiệm đóng cho Uber 20% chi phí dịch vụ cho việc cung cấp công nghệ giúp kết nối xe và hành khách. Khoản chi phí dịch vụ này là một phần chi phí kinh doanh của các đối tác vận tải”- ông Dũng chia sẻ.

Hơn 10.000 lái xe Việt Nam đã hợp tác với Uber trong hơn 1 năm vừa qua
Hơn 10.000 lái xe Việt Nam đã hợp tác với Uber trong hơn 1 năm vừa qua

Ông Dũng cũng cho biết, Uber cam kết sẽ luôn không ngừng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mục tiêu chung - đem lại phương thức di chuyển an toàn và đáng tin cậy đến mọi người dân Việt Nam.

 “ Chúng tôi là một công ty khởi nghiệp còn non trẻ - hơn 5 năm trên toàn cầu và chưa đến 1.5 năm hoạt động tại Việt Nam – và vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi là một nhân tố đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế tại các thị trường mà Uber đã có mặt, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho hàng ngàn đối tác vận tải và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”- ông Dũng nói: “Phần lớn lợi nhuận thu đuợc đều đuợc chuyển về cho đối tác lái xe tại Việt Nam, những người dùng công nghệ của Uber để kinh doanh. Và khác với ngành vận tải truyền thống với nguồn thu chủ yếu đến từ tiền mặt và thông tin dòng tiền chưa đủ minh bạch, nền tảng công nghệ của chúng tôi đảm bảo rằng mọi thông tin từ khách hàng, chuyến đi, doanh thu đều được lưu trữ điện tử, minh bạch và dễ theo dõi. Nhờ đó, việc thu thuế trở nên dễ dàng, thuận tiện và công bằng hơn rất nhiều so với ngành vận tải truyền thống.”

Trên thực tế, theo tìm hiểu của VnMedia, dù còn ít nhiều thủ tục cần hoàn thiện nhưng không thể phủ nhận sự xuất hiện của Uber và sau đó là Grab đã mang lại hình thức đi lại văn minh, tiện lợi, giá hấp dẫn cho người tiêu dùng; cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập cao hơn lái xe taxi thông thường.

Xét về khía cạnh xã hội, xe Uber xuất hiện không đồng nghĩa là tăng ùn tắc bởi thông thường nhu cầu đi lại của người dân ổn định ở một mức thì khi Uber hay Grab tăng lên, lượng taxi truyền thống phải co hẹp lại. Và có lẽ đây là một trong những căn nguyên quan trọng tạo ra phản ứng kéo dài, có phần thái quá thời gian qua.


Ý kiến bạn đọc