Vì sao Hyundai Veloster đồng loạt bị khai tử?

08:31, 18/02/2015
|

(VnMedia)- Thiết kế phá cách nhưng lại không quan tâm đến yếu tố sử dụng, trang bị nghèo nàn…là những nguyên nhân chính khiến Hyundai Veloster đồng loạt bị khai tử.

Có một chân lý mà ai cũng biết đó là coupe hạng C vốn luôn khó bán hơn các dòng phổ thông đại chúng khác như crossovers, SUVs hay sedan nên các hãng thường “dốc sức” để làm sao đem đến nhiều tính năng độc, ấn tượng nhất trong cuộc đua tranh giành khách hàng vốn chỉ dành cho những người sành điệu, cá tính. Nhưng cũng có lẽ vì quá tham vọng trong việc “phá cách” mà hãng xe Hàn Quốc đã thất bại không ngờ.

Veloster lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2011. Ngay từ khi mới chỉ là bản concept, rất nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về khả năng thành hiện thực của mẫu xe này bởi thiết kế “kì lạ” của nó. Hyundai ngay sau đó đã gây bất ngờ bởi mẫu xe thực chẳng khác gì so với concept cả. Tuy vậy, chỉ sau 3 năm ra mắt, mẫu xe này đang đứng trước nguy cơ bị dừng sản xuất hoàn toàn trên toàn cầu do doanh số bán hàng quá èo uột. Anh là thị trường đầu tiên mà Veloster bị “khai tử”. Ngoài Anh, tại các nước khác Veloster cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự.

Ảnh minh họa

Hyundai Veloster


Vậy vì sao Veloster lại rơi vào “thảm kịch” này?

Trước hết đó là việc không có lựa chọn động cơ CRDi cho khách hàng. Cho đến nay, rất nhiều chuyên gia, nhà phân tích và khách hàng vẫn không hiểu tại sao động cơ CRDi đã đem lại thành công lớn cho Hyundai mà hãng lại không thiết kế lựa chọn loại động cơ này cho Veloster (có 2 options là động cơ DOHC dual CVVT và GDI).

Veloster ngay từ khi ra mắt đã tham vọng quá nhiều để rồi cũng thất vọng không kém. Khi công bố kế hoạch bán hàng, Hyundai đặt kì vọng mẫu xe này sẽ là sự thay thế tuyệt vời cho Tiburon hay còn có tên gọi khác là Tuscani nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Veloster đã không tạo được bất kì một dấu ấn nào trên thị trường mà còn khiến cho khách hàng ngày càng “hoài niệm” về dòng Tiburon đình đám.  Cách “sáng tạo” quá đà của Hyundai đã đem đến những thất bại lường trước. Thiết kế phía bên tài chỉ có một cửa (hay còn gọi là thiết kế 2+1) tưởng hay nhưng lại đem đến rất rất nhiều phiền toái cho người dùng. Và thử một cảm giác nữa, khi bạn đi xe trên đường, thỉnh thoảng lại bị hỏi câu “xe gì mà lạ vậy anh?” thì bạn còn tự tin để lái tiếp nhiều lần tiếp theo không?. Hình dáng của Veloster cũng không giống như quan niệm bình thường về chiếc xe hơi, nó thiết kế như một chiếc coupe, trên nền sedan và với phần đuôi của crossover.

Ảnh minh họa

Nội thất của xe bị chê tơi bời

Nội thất của xe cũng không có gì đặc biệt, chỉ dừng lại ở một từ “tạm ổn”. Các nút bấm bằng chất liệu nhựa khiến cho ai cũng có cảm giác đây là mẫu xe “rẻ tiền” đặc biệt theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nút khởi động của Veloster trông thật “kinh khủng”. Ngoại trừ chính Hyundai còn cho đến nay chưa ai có thể trả lời được thắc mắc tại sao một dòng xe thể thao lại tồn tại những nút bấm bằng nhựa.

Tại Việt Nam, nhiều khách hàng đã từng sử dụng Veloster cho rằng chiếc xe này sang không ra sang, bình dân không ra bình dân, thể thao không ra thể thao, thời trang không ra thời trang. “Loại nửa nạc nửa mỡ này mới nhìn thấy lạ nhưng xài rồi khó chịu vô cùng. Trần xe thấp, ngồi rất tức bụng. Tầm nhìn xe cũng rất giới hạn. Xe chỉ có 5 chỗ mà bố trí cửa ra vào rất khó chịu. Ông anh tôi mua con này đi chưa được 4 tháng là bán ngay tức khắc” – một độc giả cho biết.

Nhìn một cách tổng thể thì việc ngừng bán Veloster tại một số thị trường chưa hẳn là thất bại vì biết đâu nó lại là một sự khởi đầu mới cho thêm một mẫu xe mới tốt hơn?


Anh Nguyễn

Ý kiến bạn đọc