Vì sao lại sử dụng xe hybrid tại Việt Nam ?

05:51, 28/08/2017
|

(VnMedia) - Với nhiều ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu như xe máy, không cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ hybrid trên ô tô được cho là một xu hướng tất yếu và phù hợp với Việt Nam.

Xe hybrid là gì ?

Xe hybrid hay còn gọi là xe lai, nghĩa là kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện. Đặc điểm quan trọng nhất của xe hybrid là khả năng tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, vận hành mạnh mẽ và yên tĩnh. Tùy thuộc vào điều kiện địa hình, xe hybrid sẽ sử dụng hai nguồn năng lượng theo các cách khác nhau để tạo nên sự vận hành mạnh mẽ mà vẫn đạt hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tối ưu.

So với ắc quy trên xe thông thường, pin hybrid lớn hơn nhiều và mạnh mẽ hơn. Pin hybrid tự động sạc trong quá trình xe vận hành vì vậy không tốn thời gian để sạc pin, không yêu cầu sạc ngoài. Độ bền của pin lên tới hơn 15 năm.

Đặc biệt, mặc dù được trang bị động cơ điện nhưng xe hybrid không có yêu cầu được biệt nào về bảo dưỡng. Các hệ thống thao tác vận xe cũng tương đương với xe thông thường và không gây cản trở nào cho người sử dụng.

Xe hybrid là một trong những giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa
Xe hybrid là một trong những giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa

Vì sao lại sử dụng xe hybrid tại Việt Nam ?

Tại buổi hội thảo về “Công nghệ Toyota hybrid” mới đây tại Hà Nội, đại diện Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, ở Việt Nam, ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn và gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội.

Theo kết quả của các trạm quan trắc, số ngày chất lượng không khí kém tại khu vực miền Bắc và miền Trung đang tăng vọt theo từng năm. Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo tỷ lệ chi trả cho các vấn đề sức khỏe  liên quan đến môi trường chiếm 1,2% GDP vào năm 2020, gấp 4 lần so với năm 2010.

Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, thách thức lớn xảy ra khi nguồn xăng dầu ngày càng cạn kiệt thì khí CO2 và các khí thải độc hại từ ô tô đang góp phần gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí. Xu hướng xe thân thiện trở thành tất yếu. Các tập đoàn ô tô thế giới đã và đang đầu tư rất nhiều để cải thiện các vấn đề về môi trường thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng và tăng cường giới thiệu các công nghệ xe thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, ông Tuấn nhận định các loại phương tiện sạch cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu mà trong tương lai gần có thể là xe hybrid sẽ được phát triển đại trà. Theo ông Tuấn, sở dĩ xe hybrid rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam bởi loại xe này vừa có hàng loạt ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại vận hành, bảo dưỡng như xe thông thường và không cần phải đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng tốn kém.

Trên thực tế, hiện nay Việt Nam mới chỉ xuất hiện xe hybrid và xe điện với số lượng rất hạn chế, trong đó xe hybrid chiếm đa số do phù hợp hơn với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, trong 7 năm tính từ năm 2010 đến hết 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.200 xe hybrid và xe điện, trong đó chỉ có 7 xe điện, còn lại toàn bộ là xe hybrid.

Cần giải pháp đồng bộ

Một trong những rào cản có thể hạn chế sự bùng nổ của xe thân thiện với môi trường nói chung và xe hybrid nói riêng tại Việt Nam được cho là chưa có sự nỗ lực đầy đủ từ 3 nhân tố quan trọng nhất là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo ông Vince Socco, Phó Chủ tịch Toyota Châu Á Thái Bình Dương, cả 3 bên nói trên đều có những giải pháp riêng, với những chi phí và hiệu quả tương ứng như đưới đây và Chính phủ cần kết hợp các biện pháp khác nhau phù hợp với tình hình thực tế riêng.

Chẳng hạn, những ưu đãi của Chính phủ có thể cao nhưng sớm nhìn thấy kết quả, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đòi hỏi chi phí rất lớn và phải mất thời gian dài để thấy được kết quả. Về phần mình, các hãng ô tô có thể giới thiệu các loại xe công nghệ mới sạch hơn nhưng đòi hỏi chi phí và thời gian dài. Trong khi đó, hành vi của người dùng về thói quen lái xe cho kết quả ngay mà không tốn nhiều chi phí.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, công ty này luôn đề cao các hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội. Chẳng hạn, năm 2016, công ty này đã cắt giảm được 21% lượng phát thải CO2 tính trên một đơn vị sản phẩm so với năm 2014 bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ… Công ty này cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hệ thống lý nước thải đạt Tiêu chuẩn Việt Nam QCVN 40-2011/BTNMT cột A

“Điều quan trọng là thực hiện dần dần các biện pháp khác nhau, bắt đầu với những biện pháp có thể làm được ngay và cho kết quả sớm ngay cả khi biện pháp đó chi cho hiệu quả khiêm tốn”- ông Vince Socco kết luận.

Tiến Nguyễn


Ý kiến bạn đọc