Loạt Tiktoker giả bác sĩ, dược sĩ “chê bai” sản phẩm khác nhưng khuyên dùng “sữa thật” Cô Gái Hà Lan?

0
0

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều Tiktoker trong trang phục áo blouse, tự giới thiệu là dược sĩ, bác sĩ và Tiktoker mặc áo màu xanh dương cùng sử dụng chung “kịch bản”; đó “chê” các sản phẩm có chứa sữa khác, đồng thời “hù dọa” người tiêu dùng rằng các sản phẩm sữa có độ đạm dưới 2,7 gram chính là “bẫy dinh dưỡng”. Bên cạnh đó, trong nội dung các video này, những Tiktoker nói trên lại khuyên khách hàng dùng sản phẩm sữa Cô Gái Hà Lan. 

Toạ đàm "Bẫy dinh dưỡng của trẻ em Việt", trong đó có sự xuất hiện của đại diện nhãn sữa Cô Gái Hà Lan trong trang phục áo màu xanh dương.
 

Gieo rắc lo lắng, rồi khuyên chọn “sữa thật”

Không khó để tìm ra rất nhiều tài khoản Tiktok chia sẻ “kịch bản” chung là “dìm” các sản phẩm có chứa sữa khác như sữa trái cây và các sản phẩm có độ đạm dưới 2,7gram. Qua ghi nhận cho thấy, tất cả các Tiktoker này viện dẫn, cắt ghép chung một nội dung của hình ảnh ở một Tọa đàm và khẳng định: “rất nhiều người mắc bẫy dinh dưỡng, chọn nhầm sữa cho con thì tai hại thế nào”. 

Bằng giọng điệu “lên gân lên cốt”, cách đặt vấn đề của loạt những người trong trang phục áo xanh dương trên mạng xã hội này khiến cho một bộ phận người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng về việc: Phải chăng cứ những loại sản phẩm sữa cứ có độ đạm dưới 2,7 gram là “mạo danh”, là “không thật”. 

Đáng chú ý, đặc điểm chung của tất cả các Tiktoker này đều mặc áo xanh dương – màu sắc chủ đạo của logo nhãn sữa Cô gái Hà Lan do Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam sản xuất. Trang phục này cũng trùng khớp với màu của chiếc áo mà đại diện nhãn hàng Cô gái Hà Lan mặc khi xuất hiện tại Tọa đàm đưa ra quan điểm: “Sữa Thật là sữa có độ đạm, canxi cao và phải có độ đạm trên 2,7 gram”. 

Có thể nhận thấy rằng, những nội dung truyền thông trên mạng xã hội này đã gây hoang mang lớn trong dư luận. Và không hiểu vì lý do gì, trong các video nói trên, hàng loạt tài khoản Tiktok khác cũng có những bình luận rất tiêu cực với nội dung “chê bai” các sản phẩm sữa khác, đồng thời nâng cao quan điểm và “khen” hết lời sản phẩm mang khái niệm “sữa thật”.

Các Tiktoker "chê bai" sữa trái cây đều có một đặc điểm chung, đó là những người này đều mặc áo màu xanh dương - màu sắc chủ đạo của logo nhãn sữa Cô Gái Hà Lan do Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam sản xuất.

Cụ thể, tài khoản có tên “Linhnhim86” đăng tải clip có hình ảnh buổi Toạ đàm, kèm theo những dòng bày tỏ rằng sau khi xem tọa đàm “Bẫy dinh dưỡng của trẻ em Việt” thì người này đã “rất tá hỏa, ngỡ ngàng” và nhận ra rằng “Đó giờ đã luôn lựa chọn sai sữa cho con, đó giờ mình mua sữa trái cây mạo danh sữa thật và cứ đinh ninh đó là sữa thật”. Sau đó, Tiktoker này đưa ra khái niệm “sữa thật” như thể mình là chuyên gia sành sỏi: “Sữa thật là sữa phải có độ đạm là 2,7gr/100ml”.

“Lo lắng ghê luôn đó mọi người. Cũng đúng thôi, nhận ra sai lầm của bản thân đâu dễ dàng gì. Rồi lại hoang mang không biết còn bao nhiêu sản phẩm nhận là sữa đây”, Tiktoker “Linhnhim86” tiếp tục gieo rắc nỗi hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Clip nói trên của nữ Tiktoker “Linhnhim86” nhận được hơn 100 bình luận. Trong đó, tài khoản có tên “Phương Anh” bình luận: “Nghe mà sợ quá trời luôn”; tài khoản tên “Vành Đúc Xe Máy” lại cảm thán: “Thật đáng ngại thị trường sữa hiện nay”; còn tài khoản “Ngọc Khánh” thì viết: “Hoang mang thực sự”,… 

Cần phải nhấn mạnh rằng, “Linhnhim86” vốn không phải Tiktoker mặc áo xanh dương duy nhất “chê” các sản phẩm có chứa sữa khác và tung ra khái niệm “sữa thật”. Có thể kể tới hàng loạt tài khoản khác như: “truong.ngoclan9x”, “ngocruby89hn”, “notikinu”,… cũng có hành động tương tự. Và tất cả đều khiến không ít phụ huynh lo lắng, hoang mang. 

Thực chất, với những người sử dụng mạng xã hội tinh mắt thì đều hiểu rõ, lý do khiến hàng loạt Tiktoker mặc áo xanh dương này đăng clip có cùng một nội dung giống hệt nhau lên mạng xã hội chính là vì họ đang tham gia một hình thức nhận “booking” quảng cáo theo nội dung được đặt hàng sẵn từ một bên nào đó. 

Bởi lẽ trên thực tế, các kênh Tiktok này đều triển khai hoạt động nhận booking quảng cáo từ các nhãn hàng. Cũng từ đây, dấu hỏi lớn về việc liệu những nội dung truyền thông, quảng cáo nói trên của các Tiktoker có phải đến từ một chiến dịch cạnh tranh không lành mạnh của nhãn hàng sữa nào đó hay không? Tình trạng này cần được các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, làm rõ và có biện pháp xử lý triệt để.

Kênh Tiktok mang tên “Bác sĩ Huy” quảng cáo, khuyên người dùng sử dụng sữa trắng vì sữa trái cây không cung cấp đủ đạm và canxi.
Kênh Tiktok mang tên “Bác sĩ Huy” quảng cáo khuyên người tiêu dùng sử dụng sữa trắng vì sữa trái cây không cung cấp đủ đạm và canxi.

“Bác sĩ, dược sĩ” tự phong khuyên dùng sữa Cô Gái Hà Lan

Trong khi những người mặc áo màu xanh dương chỉ “chê” sữa trái cây, thậm chí còn mạnh miệng khẳng định sữa trái cây là “mạo danh”; thì một số Tiktoker trong trang phục áo blouse trắng, tự giới thiệu là dược sĩ và bác sĩ lại ra sữa “chê” sữa trái cây nhưng c khuyên dùng sữa Cô Gái Hà Lan và “sữa thật”. 

Trên nền tảng Tiktok, có tài khoản tên “BS Quang” gây lo lắng bằng cách đăng câu hỏi của cộng đồng mạng về việc con uống sữa mà vẫn gầy còm. Tiktoker này thậm chí còn xuất hiện trong trang phục áo blouse trắng và “mạnh miệng” khẳng định: “Loại sữa mà độc giả cho con uống là “sữa trái cây đóng hộp, chứ không phải sữa tươi hay sữa bột”. 

“Bác sĩ Quang” cũng đưa ra đánh giá vô cùng phiến diện và thiếu căn cứ rằng: sữa trái cây với tỷ lệ sữa ít hàm lượng dinh dưỡng tổng thể không thể cao cho được. Sau khi “chê” sữa trái cây, người này khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan bằng những lời khẳng định: “Đồng ý rằng sữa trái cây là thức uống trái cây tốt hơn nước ngọt hay nước có ga nhưng chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn sữa tươi hay sữa công thức bằng sữa trái cây được vì chỉ cần 1 bịch sữa Cô Gái Hà Lan vào bữa sáng đã có thể cung cấp tới 34% canxi, 22% nhu cầu đạm của trẻ 3 đến 5 tuổi,…”.

Đáng chú ý, hình ảnh “Bác sĩ Quang” mặc áo blouse trắng cũng xuất hiện chừng gần 15 giây trong TVC quảng cáo “Nhỏ nhưng có võ chính là sữa Cô Gái Hà Lan…”, đang chiếu trên kênh Tiktok “dutyladyvietnam”. Tại TVC này, người mặc áo blouse trắng đưa ra cảnh báo: “Có 50% trong số 90% trẻ Việt Nam bị thiếu dinh dưỡng dù ăn sáng đều đặn hàng ngày. Phía sau đó là sản phẩm sữa phục vụ bữa sáng chuẩn Cô Gái Hà Lan”. 

Bên cạnh Tiktoker “Bs Quang”, nhiều người mặc áo blouse trắng khác cũng tự nhận là bác sĩ, dược sĩ như “Bác sĩ Lê Tiến Huy”, “Dược sĩ Phương Thảo”, “Bác sĩ Trần Minh”… cũng có chung kịch bản “chê” sữa trái cây và khuyên dùng sữa Cô Gái Hà Lan. Riêng “Bác sĩ Huế dinh dưỡng” thì liên tục cảnh báo rằng sữa trái cây rất kém dinh dưỡng….

Tài khoản Tiktok có tên Dược sĩ Phương Thảo quảng cáo chê sữa trái cây, khuyên người tiêu dùng dùng sữa trắng.
Tài khoản Tiktok có tên "Dược sĩ Phương Thảo" quảng cáo chê sữa trái cây và khuyên người tiêu dùng dùng sữa trắng.

Trong bối cảnh các Tiktoker mạnh miệng khẳng định các sản phẩm sữa khác là mạo danh sữa, là kém dinh dưỡng vì tỷ lệ đạm thấp gây suy dinh dưỡng và nhắc đi nhắc lại việc chọn đúng “sữa thật”; thì cùng lúc đó nhãn sữa Cô gái Hà Lan bất ngờ tung sản phẩm mới có thông điệp: “Sữa Thật – Cho bữa sáng, gấp 4 lần đạm, gấp 3 lần canxi”. 

Việc sản phẩm “Sữa Thật” mới ra của Cô gái Hà Lan là dòng sản phẩm sữa hoàn nguyên (bột pha lại), không phải Sữa tươi theo QCVN nhưng lại quảng cáo là “Sữa Thật” khá khó hiểu với những người trong ngành sữa. Vì khái niệm Sữa Thật chưa được nhắc đến trong bất cứ quy chuẩn nào của ngành sữa Việt Nam. 

Hiệp hội sữa “kêu cứu”

Ngày 30/10, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có Văn bản số 82/CV-HHS, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trong đó phản ánh việc một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có các bài viết về sữa có thông tin chưa chính xác.

Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết tuyên truyền về sữa, trong đó có sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, những bài viết có nội dung chưa chính xác, không đúng với bản chất sản phẩm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa.

Hiệp hội Sữa Việt Nam dẫn chứng một số bài viết đã phản ảnh sản phẩm “sữa trái cây” đang lưu hành trên thị trường có hàm lượng đạm (protein) thấp hơn quy định QCVN 5-1:2010/BYT. Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, QCVN 5-1:2010/BYT chỉ áp dụng cho các sản phẩm sữa dạng lỏng như sữa tươi (nguyên chất) thanh trùng, sữa tươi (nguyên chất) tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc (sữa đặc), sữa cô đặc (sữa đặc) có bổ sung chất béo thực vật.

“Sản phẩm "sữa trái cây” trên thị trường Việt Nam là sản phẩm có tên gọi thực phẩm bổ sung hay thức uống dinh dưỡng có bổ sung thành phần sữa, dịch chiết/nước ép trái cây, ca cao… Các chỉ tiêu chất lượng của “sữa trái cây” không áp dụng theo QCVN 5-1:2010/BYT. Do đó, việc đăng tải nội dung “sữa thật” phải là sữa đủ chuẩn đạm (protein) 2,7 gram theo QCVN 5-1:2010/BYT là chưa chính xác với tên gọi quy định tại QCVN”, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết.

Hải Hà

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.