Không chỉ gây lãng phí nước, tăng chi phí tiền nước mỗi tháng, rò rỉ đường ống dẫn nước còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình, mang tới nhiều phiền toái cho người dân.
Rò rỉ ống dẫn nước gây nên nhiều phiền toái cho người sử dụng. (Ảnh minh hoạ) |
Đường ống nước bị rò rỉ thật sự là một vấn đề lớn nhưng đôi khi người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, xử lý tạm thời. Rò rỉ đường ống dẫn nước có thể làm hỏng trần nhà, sàn nhà, tường, thảm, đồ nội thất,… và hơn thế nữa, ẩm ướt sẽ tạo điều kiện để nấm mốc phát triển.
Sửa chữa đường ống bị rò rỉ không phải là việc đơn giản. Một trong những vấn đề khó khăn mà bạn gặp phải đó là không thể nhìn thấy các đường ống bởi chúng thường được “âm” dưới sàn và trong tường. Việc tự cải tạo đường ống nước khó thực hiện do nguy cơ mất an toàn xây dựng, quy hoạch, chập cháy. Do vậy, bạn sẽ cần sự trợ giúp từ những người thợ lành nghề.
Biết được những nguyên nhân phổ biến khiến đường ống nước trong gia đình bị rò rỉ có thể giúp bạn đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Rò rỉ nước do đường ống bị mài mòn
Đường ống nước bằng nhựa khi sử dụng lâu ngày thì những bộ phận bên trong có thể bị mài mòn hay lỏng lẻo do lực nước tác động thường xuyên. Điều này khiến cho các khớp nối đường ống nước có vết hở nên nước có thể dễ dàng rò rỉ ra bên ngoài.
Ngoài ra, lớp ron cao su (hay vòng đệm cao su) – bộ phận giúp bịt kín các vị trí tiếp nối – cũng có thể bị ăn mòn, biến tính và lão hóa mất đi độ đàn hồi hoặc bị gãy sau một thời gian sử dụng. Khi đó, hệ thống sẽ không còn bịt kín tuyệt đối như ban đầu và nước có thể rò rỉ ra ngoài.
Rò rỉ nước do thi công không đảm bảo
Thực tế thì khi thi công, các đường ống thường chằng chịt các khớp nối để uốn cong đường ống đến đúng khu vực mong muốn. Việc thi công ống nhựa chủ yếu bằng phương pháp hàn nhiệt và dán keo, chất lượng các mối nối phụ thuộc nhiều vào tay nghề và sự cẩn thận khi thi công của thợ nước. Ống nhựa có hệ số giãn nở nhiệt lớn, dễ gây rò rỉ tại các mối hàn, mối nối phụ kiện van vòi. Các mối nối không đảm bảo chất lượng sẽ gây cản trở dòng chảy và dễ bị rò rỉ sau một thời gian sử dụng. Nước sạch khi đi qua những đường ống nước này có khả năng bị nhiễm vi khuẩn, rong rêu, tảo… hay các kim loại nặng sản sinh trong môi trường ẩm thấp.
Rò rỉ nước do áp lực nước quá lớn
Áp lực nước mạnh sẽ giúp bạn dễ chịu khi tắm vòi sen, nhưng nếu áp lực nước quá lớn có thể gây hại cho đường ống của bạn. Với những đường ống dẫn nước bằng nhựa phổ biến có thành dày nhất cũng chỉ chịu ở mức áp lực 25 Bar. Theo những người thợ lâu năm, những ngôi nhà ở khu vực có thủy lực càng mạnh thì nguy cơ gặp rò rỉ càng cao. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, áp lực nước có thể gây vỡ đường ống.
Rò rỉ nước do va chạm mạnh
Ống cấp nước bằng inox được sử dụng phổ biển tại Trung Quốc, Italia từ hàng chục năm nay. (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, việc đường ống bị nứt vỡ do va chạm hay rung lắc trong quá trình sử dụng cũng khiến cho nó có nguy cơ rò rỉ nước. Cho dù chỉ là những dư chấn nhỏ gây ra bởi động đất, xe tải trọng lớn chạy trên đường hay đơn giản là nhà hàng xóm cải tạo, xây mới nhà… cũng có thể gây nứt vỡ đường ống, làm vênh và lỏng các khớp nối phụ kiện dẫn đến nước bị rỉ ra ngoài.
So với nhựa thì kim loại (như đồng và inox) đang được đánh giá là vật liệu tối ưu hơn, có thể khắc phục được hầu hết các nguyên nhân gây rò rỉ đường ống dẫn nước nêu trên. Độ bền của ống kim loại cao hơn gấp 8-10 lần so với ống nhựa, có khả năng chống ăn mòn tuyệt đối, chịu được áp lực nước cao và va đập mạnh.
Tuy nhiên, sản phẩm ống nước bằng đồng có chi phí quá cao nên không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, với nhiều dư địa phát triển nhưng hiện tại ống cấp nước bằng inox chưa có mặt tại thị trường Việt Nam mà mới phổ biến tại Trung Quốc và Italia. Từ nhu cầu cuộc sống, đòi hỏi thời gian tới cần có những doanh nghiệp lớn trong nước tiên phong đưa vật liệu này vào sản xuất ống nước, phục vụ các công trình dân dụng, nâng cao chất lượng đời sống người dân.