- Bà Nguyễn Thúy Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng, tố cáo Công ty Tài Chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) vì cho rằng đơn vị này đã thực hiện hành vi đòi nợ bằng hình thức “khủng bố” điện thoại, tin nhắn và mạng xã hội liên tục đến bà và nhiều người thân trong suốt 16 ngày, dù bà Hằng không hề vay tiền.
Không vay tiền, người dân bỗng dưng bị “khủng bố” điện thoại
Thông tin tới VnMedia, khoảng giữa tháng 3/2021, bà Hằng bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn từ nhiều người tự xưng là “nhân viên thu hồi nợ” của Công ty Tài Chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam yêu cầu bà Hằng thanh toán khoản nợ của ông Đào Duy Hưởng từ năm 2014 (ông Hưởng là chồng cũ của bà Hằng).
Những người này dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn nhằm gây sức ép liên tục để đạt được mục đích. Họ liên tục gọi cho con gái, mẹ đẻ, anh chị em ruột của bà Hằng và sau đó đến bạn bè, đối tác, khách hàng. Những người này còn dùng thủ đoạn giả danh gọi điện thoại loan tin với nhiều người bạn và họ hàng của bà Hằng về việc mất tích của con gái bà Hằng (21 tuổi, đang là sinh viên Đại học Ngoại thương). Việc này khiến cho nhiều người trong gia đình bà vô cùng lo lắng, hoảng hốt.
Liên tiếp 16 ngày sau đó, bà Hằng cùng nhiều người khác nhận được hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày với nhiều lời lẽ thiếu văn hóa, đe dọa, lăng mạ, khủng bố tinh thần. Trên MXH facebook, những đối tượng này đã tự ý lấy những hình ảnh cá nhân, số điện thoại của bà Hằng và gia đình để đăng tải với những dòng thông báo bà này lừa đảo để hạ nhục, chửi bới và xúc phạm. Thậm chí, chúng còn dùng hình ảnh kèm số điện thoại của bà Hằng để đăng những thông tin với nội dung “gạ tình”, khiêu dâm, bán dâm…
Sự việc này khiến cho cuộc sống gia đình bà Hằng bị xáo trộn, công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng và tinh thần, sức khỏe bị giảm sút. Quá bức xúc và phẫn nộ trước những hành vi này, bà Hằng đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an quận Cầu Giấy, Cục An ninh và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Việc đòi nợ trên chỉ tạm dừng khi bà Hằng trực tiếp lên Chi nhánh Shinhan Finance (số 2 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) để khiếu nại. Phía Ngân hàng Shinhan cũng xác nhận bằng văn bản là bà Hằng không hề có bất kỳ khoản nợ nào trong hệ thống. Nhưng cho đến nay, phía bà Hằng không hề nhận được bất kỳ động thái xin lỗi nào từ phía đơn vị này.
![]() |
Công ty TNHH MTV Tài chính Shinhan đòi nợ thế nào? |
Bản chất khoản vay tiêu dùng cá nhân
Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) - thành viên của Shinhan Card, thuộc tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc), là công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài (trước đây là Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam - Prudential Finance). Công ty này có địa chỉ đăng ký tại tòa nhà Trung tâm Thương mại Sài Gòn, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM.
Hợp đồng tín dụng số: 10629930 ký kết ngày 25/11/2014 giữa ông Đào Duy Hưởng và Công ty TNHH MTV Tài chính Prudenital Việt Nam (do ông Sanjay Chakrabarty làm Tổng giám đốc) thể hiện việc ông Đào Duy Hưởng vay của Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential khoản tiền là 104 triệu đồng trong vòng 48 tháng với lãi suất 27,5%/năm. Đây là hợp đồng tín dụng cá nhân được ký kết giữa ông Hưởng và Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential, không có bất kỳ liên hệ gì với bà Nguyễn Thúy Hằng. Trong Phiếu đề nghị vay tiêu dùng cá nhân và Hợp đồng tín dụng nói trên không có đề cập đến việc bà Nguyễn Thúy Hằng là “người tham chiếu” hay có liên quan gì đến khoản vay nói trên.
Tính đến tháng 3/2021, ông Hưởng đã thanh toán 113.996.700 đồng và có tổng dư nợ quá hạn cần phải thanh toán tính đến hết tháng 03/2021 là 141.606.697 đồng. Tính đến tháng 4/2021 ông Hưởng đã thực hiện thanh toán và đang tiến hành tất toán khoản vay nói trên.
Shinhan Finance có tôn trọng khách hàng?
PV VnMedia đã đặt lịch làm việc và nhận được văn bản trả lời từ phía Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt nam vào ngày 22/4. Trong thư, bà Lê Quế Hương, Giám đốc Phát triển Chuyển đổi số & Marketing xác nhận có sự việc đòi nợ nêu trên. Một đơn vị thực hiện dịch vụ thu hồi nợ của Shinhan Finance là Công ty Đức Phú đã thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn cho bà Hằng là để “nhờ” nhắc nợ ông Hưởng.
“Chúng tôi xem trọng việc xử lý vấn đề này vì nếu có bất kỳ đơn vị thực hiện dịch vụ thu hồi nợ nào làm cho Khách hàng có trải nghiệm không mong muốn là điều chúng tôi không bao giờ chấp nhận. Chúng tôi đặt ra chủ trương và yêu cầu các nhân viên nghiệp vụ Thu hồi nợ áp dụng Bộ quy định tư cách đạo đức trong Thu hồi nợ nhằm đảm bảo các hoạt động này tuân thủ pháp luật và để làm cơ sở rà soát các nguyên tắc, thỏa thuận, hợp đồng với bất kỳ bên cung cấp dịch vụ thu hồi nợ và người được ủy quyền Thu hồi nợ.” – bà Hương thông tin thêm.
Ngoài ra vị Giám đốc này cho biết, Công ty luôn luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, tôn trọng Pháp luật Việt Nam, tôn trọng quy tắc đạo đức, ứng xử trong việc thu hồi nợ, tôn trọng khách hàng và luôn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu!?
Những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân nở rộ. Khách hàng có nhu cầu vay một khoản tiền tiêu dùng từ vài triệu đến vài trăm triệu chỉ cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân, chứng minh thu nhập bằng bảng lương. Quan trọng nhất, khách hàng phải cung cấp những số điện thoại liên lạc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp gọi là “số điện thoại tham chiếu”. Khi khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện trên, khoản vay sẽ nhanh chóng được giải ngân mà không cần thế chấp bất kỳ tài sản đảm bảo nào.
Chính vì thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu thế chấp tài sản nên nhiều người dễ dàng trở thành “con nợ” của ngân hàng hoặc các công ty tài chính. Nhiều người không có khả năng trả nợ do khoản nợ phát sinh quá lớn theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Dưới danh nghĩa cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính đưa ra mức lãi suất theo quy định Pháp luật hiện hành cho phép. Nhưng ngoài ra, khách hàng khi vay tiêu dùng cá nhân phải trả thêm các khoản phí khác, phí bảo hiểm khoản vay, tiền lãi, tiền phạt chậm nộp…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.