- CTCP Địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa vừa công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã NVLH222006.
Theo đó, NVL đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu, gồm:
Phương án 1: Tiền gốc trái phiếu sẽ được công ty thanh toán chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn trái phiếu. Tiền lãi phát sinh trong thời gian thanh toán nợ được tính bằng mức lãi suất trái phiếu theo quy định tại các điều khoản và điều kiện của trái phiếu. Còn khoản nợ sẽ được thanh toán một lần vào ngày cuối cùng của thời gian thanh toán nợ.
Phương án 2: NVL sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) thuộc một dự án do công ty con của NVL làm chủ đầu tư.
Công ty sẽ thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản do mình làm chủ đầu tư.
Được biết, lô trái phiếu NVLH222006 được phát hành vào tháng 3/2022, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo bằng VND. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Tổng mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Novaland, công ty thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu NVLH222006 xuất phát từ Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, với lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021, NVL cũng đề xuất 2 phương án là giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do doanh nghiệp đang đầu tư và phát triển.
Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công và phần lớn đơn vị phát hành là doanh nghiệp bất động sản.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP với một số điểm nhấn có thể hóa giải những điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn; cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác; tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024.