- Sàn giao dịch tiền điện tử FTX - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới - đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Delaware, động thái này gây ra tác động lớn đến các công ty con của vị CEO này.
Sàn FTX đệ đơn xin phá sản |
Cụ thể, khoảng 130 bên liên quan bao gồm FTX.com, FTX US và Alameda Research đều được nêu tên trong hồ sơ xin phá sản.
Ngoài ra, tỷ phú 30 tuổi Bankman-Fried cũng từ chức CEO và người thay thế là John J. Ray III. Trong quá trình chuyển giao, cựu CEO vẫn ở lại công ty để hỗ trợ.
Trong các bài đăng trên Twitter trước đó, Bankman-Fried cho biết chi nhánh FTX ở Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản ở FTX International. Nền tảng này hiện đã dừng hoạt động rút tiền số và tiền pháp định từ hôm thứ Ba.
Trong khi đó, FTX US hôm qua thông báo “giao dịch có thể sẽ bị tạm dừng trên FTX US trong vài ngày tới.”
Được biết, CNBC đã liên hệ với Adam Landis, đối tác sáng lập của Landis Rath & Cobb LLP, người đã đệ trình các thủ tục theo Chương 11 thay mặt cho FTX. Tuy nhiên, CNBC hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tân CEO ông John J. Ray III cho hay: “Quy trình phá sản này là cơ hội để FTX đánh giá về tình hình và lộ trình phát triển nhằm tối đa hóa khả năng hồi phục của các bên liên quan. Các tài sản giá trị của công ty sẽ được quản lý trong một quy trình chung và có tổ chức.”
Trong khoảng thời gian qua, định giá của FTX rớt từ 32 tỷ USD xuống con số 0 khi thanh khoản sàn này cạn kiệt và khách hàng liên tục yêu cầu rút tiền.
FTX là cái tên mới nhất trong một loạt các công ty tiền số đang tìm cách nộp đơn bảo hộ phá sản trong năm nay.
Nhiều tháng trước, Bankman-Fried được mệnh danh là “nhà cho vay cuối cùng” của lĩnh vực tiền số do nhiều công ty khác sụp đổ. Trong tháng này, cuộc khủng hoảng nhanh chóng ập đến với FTX khi đồng tiền số của sàn là FTT rớt giá mạnh và người dùng ồ ạt rút tiền.