- Khu vực đồng Euro đang chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng đang ở ngưỡng rất cao, đạt 10,7% trong tháng 10 vừa qua. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần thứ hai liên tiếp tăng lãi suất theo 75 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt “sức nóng” của lạm phát.
Ngay cả suy thoái cũng khó làm giảm lạm phát ở châu Âu (Ảnh minh họa) |
Nhiều quan chức lạc quan chỉ ra rằng, châu Âu đã không tung ra gói kích thích tài khóa lớn nào sau đại dịch như Mỹ, đồng nghĩa với việc lạm phát được thúc đẩy bởi các cú sốc nguồn cung và giá năng lượng thay vì nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Các gói chi tiêu gần đây ở châu Âu đều được đưa ra với mục đích giảm thiểu tác động từ giá năng lượng leo phi mã chứ không phải thúc đẩy sức chi tiêu.
Trong quý II của năm, mức tiêu thụ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi ở Mỹ đạt 7%.
Hơn nữa, các chỉ báo tâm lý đều ngụ ý rằng, nền kinh tế châu Âu đang rơi vào suy thoái. Tiền lương tăng một cách vừa phải và gần như không có dấu hiệu nào về vòng xoáy lương - giá.
Giá năng lượng hiện tại và tương lai trên thị trường bán buôn đã đi xuống từ mức đỉnh thiết lập hồi mùa hè. Các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng cũng giảm bớt.
Có lẽ đỉnh lạm phát thực sự đã rất gần.
Tuy nhiên, giới quan chức thuộc ECB không thể duy trì sự lạc quan này mãi được khi người tiêu dùng sẽ phải đợi một khoảng thời gian dài để cảm nhận được tác động của việc giá năng lượng sụt giảm.
Hầu hết người dân vẫn đều nhận định, họ đang ở trong một nền kinh tế mà giá cả leo thang chóng mặt.
Pháp là quốc gia có lạm phát thấp nhất trong khu vực đồng Euro, đạt 7,1% vào tháng 10. Nguyên nhân một phần là bởi Chính phủ đã áp giá trần với điện và khí đốt.
Giá năng lượng và thực phẩm chỉ chiếm chưa đến 1/3 rổ hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để đo lường lạm phát. Nhưng, phần còn lại của rổ hàng hóa và dịch vụ rất đáng lo ngại.
Giá dịch vụ và hàng hóa, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 6% trong ba tháng qua.
Ông Chris Marsh, CEO Công ty Nghiên cứu Exante nói, tình hình ở châu Âu lúc này rất giống với Mỹ vài tháng trước.
Ngoài ra, đẩy tiền lương lên cao cũng có khả năng làm gia tăng lạm phát. Cho đến nay, tiền lương ở châu Âu mới chỉ tăng khiêm tốn.
Trái ngược với Mỹ, 60% lao động ở châu Âu đều tham gia các thỏa thuận lao động tập thể. Những thỏa thuận này thường kéo dài một năm hoặc hơn, có nghĩa rằng phải mất một thời gian khá dài thì các điều kiện kinh tế mới tác động đến tiền lương của những người lao động ở khu vực này.
Các nhà đàm phán của công đoàn tuy sẽ không đòi hỏi nhiều bởi họ hiểu rằng vòng xoáy lương-giá sẽ gây hại đến mọi người nhưng sự kiên nhẫn của họ là có giới hạn. Trong vòng đàm phán tới đây, các công đoàn trong khu vực công của Đức sẽ yêu cầu tăng lương 10,5%.
Ảnh minh họa |
Đối với các nhà lãnh đạo, ông chủ doanh nghiệp, sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu trên thị trường lao động hiện vẫn là rắc rối lớn.
Trong cả ngành sản xuất lẫn dịch vụ, tỷ lệ các doanh nghiệp báo cáo tình trạng thiếu hụt lao động khiến sản lượng bị hạn chế đã lên gần mức cao nhất trong lịch sử.
Lý do được cho bởi một phần công ty vẫn còn nhiều đơn hàng tồn đọng từ thời đại dịch kết hợp với lượng nhân công nghỉ hưu mỗi năm tại các quốc gia già hóa như Đức và Italy.
Những lý do trên cho thấy đỉnh của lạm phát có lẽ vẫn còn nằm ngoài tầm tay của châu Âu. Và khi lạm phát đã lên đến đỉnh thì giai đoạn sau đó cũng không hề dễ dàng.
Theo Economist, giá năng lượng sẽ hạ nhiệt trong năm tới, giúp làm giảm lạm phát toàn phần. Nhưng lạm phát trong phần còn lại của nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục tăng tốc, hạn chế mức giảm chung.
Ngay cả một cuộc suy thoái – nếu kết thúc nhanh chóng như dự đoán của nhiều người – cũng có thể không khống chế nổi lạm phát.
Nếu rơi vào kịch bản trên, ECB có thể sẽ phải thắt chặt chính sách lần nữa.
CEO Marsh của Công ty Nghiên cứu Exante chỉ ra: “Trong những năm 1970, ngân hàng trung ương Đức không hề nao núng khi nền kinh tế yếu đi, mà ngược lại còn tăng lãi suất. Nhờ vậy quốc gia này đã khống chế lạm phát thành công. ECB cần sự quyết tâm tương tự”.