- Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 14/11, bao gồm: LPB, PNJ, MWG.
Cổ phiếu được khuyến nghị ngày 14/11: LPB, PNJ, MWG |
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu LPB trong ngắn hạn
CTCK VNDirect - VND
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB – sàn HOSE) ghi nhận quý III/2022 cho vay tăng trưởng 9,1% so với đầu năm, chỉ tăng 0,5% so với mức tăng 8,6% so với đầu năm cuối quý II/2022. Tuy nhiên, NIM tăng trưởng 66 điểm cơ bản chủ yếu do lãi suất tiền gửi giảm từ 10 – 50 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2022, giúp thu nhập lãi (NII) tăng 58%. Thu nhập ngoài lãi (nonII) tăng 18,3% chủ yếu nhờ thu nhập từ phí tăng 66,4%. Chi phí hoạt động chỉ tăng 8,4%, kéo CIR xuống mức 36,2%, thấp nhất kể từ năm 2016.
Mặc dù LPB đã mạnh tay trích lập dự phòng (tăng 238,3%) nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 61,1%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng tăng 72,1% đạt 4.822 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động chứng khoán trong quý II/2022. Nếu loại khoản này ra, 9 tháng 2022 lợi nhuận ròng tăng 59,4%.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ở mức 1,4% trong 9 tháng 2022. Kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng năm 2022 giúp ngân hàng xử lý tích cực hơn các khoản nợ xấu. Chúng tôi ước tính LPB đã xử lý xong 462 tỷ đồng nợ xấu và ghi nhận 1.876 tỷ đồng (tăng 110,4%) trong 9 tháng 2022, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên mức cao nhất 143,1%, lần đầu gia nhập top 7 các ngân hàng niêm yết.
Chúng tôi giảm tăng trưởng cho vay 2023 về 10,5% từ mức 11,5% do nhu cầu tín dụng toàn ngành có xu hướng chậm lại. Chúng tôi kỳ vọng NIM đạt 3,6% năm 2023 và 3,9% năm 2022. Chúng tôi giảm CIR xuống 40% từ mức 45% dự báo cũ khi ngân hàng đã quản lý chi phí tốt hơn trong 9 tháng năm 2022. Chi phí dự phòng tăng 81,1%/56,7% giai đoạn 2022-2023 khi chúng tôi cho rằng nợ xấu có xu hướng gia tăng khi thông tư 14 hết hạn. Kết quả, dự phóng lợi nhuận ròng tăng 5,5%/0,9% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023.
Chúng tôi nâng lợi nhuận ròng giai đoạn 2022-2023, tuy nhiên chúng tôi giảm P/B về 1,0 lần từ mức 1,5 lần nhằm phản ánh giai đoạn khó khăn đối với ngành ngân hàng khi tín dụng thắt chặt, NIM bị nén và chi phí tín dụng ngày một tăng. Rủi ro giảm bao gồm tăng trưởng cho vay thấp hơn kỳ vọng và nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 121.100 đồng/cp
CTCK KB Việt Nam – KBSV
KBSV đã tham gia buổi họp với các chuyên viên phân tích do Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) tổ chức và ghi nhận một số thông tin về KQKD 9T2022. Kết thúc quý 3 năm nay, doanh thu thuần luỹ kế của PNJ đạt 25.574 tỷ đồng (+104,4% YoY) và LNST đạt 1.340 tỷ đồng (+132,7% YoY).
Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành kế hoạch DTT và LNST cả năm 2022 (99% kế hoạch DTT và 101,5% kế hoạch LNST). So với kế hoạch dự phóng của KBSV, công ty đã hoàn thành lần lượt 75% và73%. Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 121.100 đồng/cp.
Hình minh họa Các mảng kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm. KBSV kỳ vọng bước sang mùa cao điểm quý 4, doanh thu của PNJ sẽ tiệm cận với mức cao trong quý 1 năm nay nhờ vào tín hiệu cầu tăng mạnh, khi BLĐ cho biết PNJ đã lập kỷ lục doanh số mới trong dịp lễ 20/10 vừa qua. Sức mua trong quý 3 chưa bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tuy nhiên yếu tố này cần phải theo dõi trong thời gian tới. Dự báo lạm phát trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trang sức, nhưng với PNJ mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn và có độ trễ hơn.
Về dài hạn, công ty đang hướng đến phân khúc khách hàng mới mà ngay cả khi có lạm phát thì vẫn tiếp cận hiệu quả. KBSV điều chỉnh dự phóng KQKD sau những tín hiệu tương đối tích cực từ cuối quý 3. Doanh thu thuần năm 2022 kỳ vọng đạt 33.926 tỷ đồng (+73% YoY) và LNST đạt 1.838 tỷ đồng (+78% YoY).
KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PNJ, với giá mục tiêu là 121.100 đồng/cp, cao hơn 24,7% so với giá đóng cửa ngày 10/11/2022.
Ảnh minh họa |
Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 61.000 đồng/CP
CTCK SSI - SSI
CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) công bố doanh thu đạt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ, nhưng giảm 7% so với quý trước) và lợi nhuận ròng đạt 907 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng giảm 20% so với quý trước) trong quý 3 năm 2022.
Với mức cơ sở so sánh thấp của quý 3/2021, khi công ty phải chịu tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam Việt Nam, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 15% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 là thấp hơn dự báo của chúng tôi. Điều này có thể là do sự gia tăng chi phí tài chính và chi phí ghi nhận một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng Bách hóa xanh hoạt động không hiệu quả.
Chúng tôi dự báo chi phí tài chính sẽ tăng trong quý 4 năm 2022 do: (1) xu hướng lãi suất cao hơn, (2) cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn, và (3) VND mất giá.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 đạt 1,67 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ). Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 6% ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 xuống 5,16 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ, từ 5,48 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đó), và điều chỉnh giảm 18% ước tính lợi nhuận ròng của năm 2023 xuống 5,86 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ, từ mức 7,19 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đó).
Mặc dù lợi nhuận của mảng ICT&CE có thể sẽ bị ảnh hưởng trong năm tới, nhưng sự cải thiện trong mảng Bách hóa xanh (doanh thu tăng và không ghi nhận chi phí một lần) và lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái giảm đi sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá cho năm 2023.
Mặc dù chúng tôi điều chỉnh cơ sở đánh giá đến năm 2023 (từ cơ sở đánh giá dựa trên mức trung bình 2022-2023), chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp SOTP xuống 61.000 đồng/cổ phiếu (từ 87.800 đồng/cổ phiếu) để phản ánh việc điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận và các hệ số giá.
Giá mục tiêu mới tương đương với tiềm năng tăng giá là 34%, do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho thời hạn đầu tư dài hạn mặc dù có thể có những giai đoạn giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh.