- Jimmy - người quản lý nhà máy ở Quảng Đông ngồi trên sàn nhà đầy bụi và nghĩ về số tiền mà ông vẫn còn nợ. Lương nhân viên đã được trả, máy móc đều đã bán đi hết và thậm chí cả đồ đạc trong văn phòng cũng bị dỡ bỏ sau khi ông đóng cửa nhà máy vào tháng 10.
Các nhà máy Trung Quốc vật lộn để tồn tại (Ảnh minh họa) |
Ông chia sẻ: “Sự sụt giảm đơn đặt hàng và việc thành phố liên tục bị phong tỏa vì phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đẩy tôi đến con đường đóng cửa nhà máy. Tôi thực sự không thể nhìn thấy dấu hiệu phục hồi trong công việc làm ăn của mình”.
Các nhà quản lý nhà máy ở miền Nam Trung Quốc đang báo cáo lượng đơn đặt hàng trong tháng 10 giảm tới 50% do toàn bộ hàng tồn kho đều hiện ở Mỹ và châu Âu, điều này làm triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày một mờ nhạt.
Được biết, tháng 10 thường là khoảng thời gian đặc biệt bận rộn đối với lĩnh vực sản xuất và sự suy giảm mạnh trong hoạt động khiến công nhân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Tháng trước, Trung Quốc báo cáo rằng, GDP chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mục tiêu 5,5% hàng năm.
Christian Gassner, người có nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Quảng Đông, nói: “Đáng lẽ đây là khoảng thời gian bận rộn nhưng trong hai tháng qua, đó lại là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Mọi người đều đóng cửa nhà máy. Đơn đặt hàng đang sụt giảm đáng kể, từ 30 - 50% trong một số ngành nghề nhất định”.
Tháng trước, chỉ số quản lý thu mua lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 49,2 từ mức 50,1.
Ảnh minh họa |
Hôm 7/11, dữ liệu chính thức cho thấy, hoạt động xuất khẩu nước này giảm 0,3% trong khi con số này được dự đoán là sẽ tăng 4,5%.
Gary Ng, một nhà kinh tế tại Natixis ở Hồng Kông cho biết trong khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa, nhu cầu từ châu Âu và Mỹ cũng yếu đi, do lãi suất cao trên toàn cầu.
“Miền Nam Trung Quốc có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Trung Quốc”, ông Gary Ng nhận định.
Một quan chức ở thành phố Đông Quan - một trung tâm sản xuất ở Quảng Đông cho biết, các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc duy trì trợ cấp để giúp các nhà máy.
Danny Lau, Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hồng Kông, người điều hành một nhà máy sản xuất nhôm ở Đông Quan, chia sẻ: “Khi đơn đặt hàng giảm, chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí và một trong những khoản chi lớn nhất là trả lương cho công nhân".