- Sự sụt giảm sản lượng xi măng lớn nhất trong hai thập kỷ qua là bằng chứng cụ thể và rõ ràng về tác động của khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Sản lượng xi măng toàn cầu đi xuống do bất động sản Trung Quốc lao đao |
Sự sụt giảm chưa từng có trong ít nhất hai thập kỷ của ngành sản xuất xi măng Trung Quốc đã kéo sản lượng vật liệu xây dựng toàn cầu đi xuống. Điều này đã chứng minh rằng, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác vốn dựa vào nước này để phát triển.
Theo số liệu do Hiệp hội Xi măng Thế giới (WCA) cung cấp, sản lượng xi măng toàn cầu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,9 tỷ tấn trong nửa đầu năm 2022.
Nguyên nhân khiến sản lượng mặt hàng này sụt giảm được WCA đưa ra là do khối lượng xi măng sản xuất tại Trung Quốc giảm 15% xuống còn 977 triệu tấn, đợt giảm lớn nhất trong hơn 20 trở lại đây.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc bắt đầu từ sự việc không thể thanh toán trái phiếu cho các trái chủ của Evergrande, dần dần lan rộng ra nhiều khía cạnh khác của lĩnh vực này như số người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ở quốc gia này tăng cao,...
Dữ liệu về xi măng là một dấu hiệu cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng ra các ngành công nghiệp khác vốn hưởng lợi từ sự bùng nổ trước đó. Số liệu chính thức cho thấy số công trình mới ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% kể từ tháng Tư.
Ian Riley, Giám đốc của WCA, cho hay: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc… Các công ty xi măng nghĩ rằng họ sắp được bán xi măng cho các công trình lớn này”.
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc gây ra nhiều tác động lớn |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất xi măng lớn tại Trung Quốc cũng bị tác động không nhỏ. Hai nhà sản xuất lớn nhất Anhui Conch Cement và China Resources Cement ghi nhận cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong giảm hơn 1/5 từ đầu năm đến nay.
Các mặt hàng khác như quặng sắt để sản xuất thép đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Nhà nhập khẩu đồng Maike Metals International cho biết họ đang bán tài sản để tồn tại trong cuộc khủng hoảng thanh khoản khi ngành bất động sản lao đao.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã có những động thái đối phó với tình trạng này khi các nhà chức trách công bố một loạt các gói hỗ trợ kích thích kinh tế hàng chục tỷ USD.
Các nhà sản xuất xi măng Trung Quốc hy vọng rằng, sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10, những thay đổi về lập trường chính sách trong thời gian tới sẽ xoa dịu được tình hình.