- Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 19/10, bao gồm: IDC, VEA, DPM.
Cổ phiếu được khuyến nghị ngày 19/10: IDC, VEA, DPM |
Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu IDC
CTCK Mirae Asset Việt Nam - MASVN
Quỹ đất KCN lớn với vị trí thuận lợi: Quỹ đất thương phẩm còn lại sẵn sàng cho thuê tính đến hết Q2/2022 đạt khoảng 758 ha với 5 dự án tại các tỉnh công nghiệp hai miền Bắc – Nam. Các KCN của Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX - Mã: IDC) đều được giải phóng mặt bằng từ trước với chi phí thấp, đối với các KCN ở phía Bắc thì hầu hết là đều là đất lúa nên GPMB theo đơn giá nhà nước. Tại các khu vực kinh tế có sức hấp dẫn mà KCN của IDC hiện hữu đều ghi nhận mức giá cho thuê tăng cao, và nguồn cung đất công nghiệp tại đây cũng trở nên hạn hẹp, vì vậy, MASVN cho rằng giá cho thuê sẽ còn tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới.
KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng sẽ trở thành động lực dẫn dắt trong giai đoạn 2022-2023: KCN có lợi thế cạnh tranh khi nằm trong khu cảng Cái Mép – Thị Vải, và là 2 trong 4 KCN có vị trí cảng nước sâu tại BR-VT với mức giá thuê thương phẩm hiện tại đạt $125/m2 (+14% CK), và dự kiến sẽ còn duy trì đà tăng nhờ vị trí đặc biệt của KCN và nhu cầu đầu tư vào khu vực này vẫn ở mức cao.
Thay đổi chính sách kế toán ghi nhận doanh thu: Việc chuyển phương pháp hạch toán phân bổ doanh thu theo chu kỳ thuê sang ghi nhận doanh thu một lần với các hợp đồng ký mới, theo MASVN, sẽ làm tăng mạnh doanh thu cũng như lợi nhuận kế toán của mảng KCN, và qua đó tạo nên bước nhảy trong kết quả hoạt động kinh doanh IDC.
Mảng năng lượng tiếp tục mở rộng: Hiện IDC đã được cấp giấy phép truyền tải và phân phối điện lực tại KCN Hựu Thạnh với trạm biến áp 189 MW (3x63 MW). Sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy của KCN Hựu Thạnh sẽ làm động lực tăng trưởng rõ rệt nhất cho mảng năng lượng trong giai đoạn 2022-2026 với CAGR dự phóng đạt 9%/năm và nâng tổng sản lượng mục tiêu lên 2,2-2,3 tỷ kWh (từ mức quanh 1,5 tỷ kWh như hiện tại).
Chính sách cổ tức tiền mặt bình quân ước tính 40%/mệnh giá trong giai đoạn 2022-2026: MASVN dự phóng cổ tức tiền mặt 4.000 đồng/cp hàng năm, tương ứng với tỷ suất cổ tức 8,2%, phản ánh dòng tiền hoạt động kinh doanh mạnh của công ty và việc điều chỉnh chính sách ghi nhận doanh thu sẽ làm gia tăng đáng kể nguồn lợi nhuận giữ lại.
MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với IDC với giá mục tiêu là 57.200 đồng/cp (+1,9%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE. MASVN kỳ vọng doanh thu và LNST năm 2022 sẽ lần lượt đạt 8.484 tỷ đồng (+97,2% svck) và 2.293 tỷ đồng (+340,5% svck) nhờ vào các yếu tố sau: 1) Doanh số KCN trong 2H22 sẽ chậm lại so với 1H22 do không còn ghi nhận lợi nhuận đột biến từ quyết toán vốn tại KCN Nhơn Trạch 5 và không còn ghi nhận giá trị hợp đồng lớn từ KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng như trong 1H22; 2) Thay đổi chính sách ghi nhận doanh số KCN một lần; 3) Hoạt động BOT và năng lượng hồi phục trở lại sau khi bị trì trệ do Covid trong cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa |
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VEA, giá mục tiêu 56.464 đồng/CP
CTCK Bảo Việt - BVSC
Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VAMA, mã chứng khoán VEA – UPCoM) và Honda Việt Nam đã công bố doanh số bán hàng tháng 9, cho thấy tiêu thụ xe máy và ô tô của Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, vượt kỳ vọng của chúng tôi.
Chúng tôi lạc quan về triển vọng của VEA trong nửa cuối năm 2022, nhờ: (1) nhu cầu phục hồi mạnh mẽ; (2) Tết âm lịch 2023 đến sớm hơn thường lệ (doanh số bán hàng quý IV/2022 có khả năng rất lạc quan); và (3) triển vọng biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện.
Ước tính lợi nhuận ròng quý III/2022 của chúng tôi cho VEA tăng mạnh 116,7% lên 1.616 tỷ đồng; trong khi kỳ vọng lợi nhuận ròng quý II/2022 đạt 2.055 tỷ đồng (tăng 27,2% so với quý trước; tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước).
BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với VEA, với giá mục tiêu (TP) không đổi ở mức 56.464 đồng/cổ phiếu (Upside: 29,5%). Ở mức giá hiện tại, VEA đang giao dịch với P/E năm 2022 là 8,4x so với mức trung bình 5 năm là 10,2x.
Chúng tôi thích VEA với chủ đề đầu tư phòng thủ, đặc trưng bởi: (1) vị thế giàu tiền mặt, cho phép VEA hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng; (2) tỷ lệ tiếp xúc lớn với thị trường nội địa sẽ giúp hạn chế tác động của suy thoái kinh tế từ các quốc gia khác; và (3) chính sách cổ tức tiền mặt bền vững. Về dài hạn, VEA có vị thế tốt để hưởng lợi từ thị trường xe máy rộng lớn và ô tô đang bùng nổ của Việt Nam.
Khuyến nghị khả quan cổ phiếu DPM, với giá mục tiêu 53.000 đồng/CP
CTCK SSI - SSI
Chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận ròng của năm 2022 và 2023 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM – sàn HOSE) lần lượt ở mức 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ) và 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ). Lợi nhuận có thể bắt đầu ghi nhận giảm so với cùng kỳ từ quý IV/2022 (ước tính của chúng tôi là giảm 35% so với cùng kỳ).
Việc giá dầu có xung hướng giảm và sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu có thể tăng do Nga và Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu sẽ gây áp lực giảm giá urê và lợi nhuận năm 2023.
Tuy nhiên, sau khi thị trường chứng khoán bị bán tháo, cổ phiếu DPM hiện khá rẻ với P/E năm 2022 và 2023 là 3,6 lần và 4,3 lần, đồng thời công ty cũng đưa ra mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn là 10,7%.
Lượng tiền ròng mạnh của DPM (tương đương 48% vốn hóa thị trường hiện tại) sẽ có lợi cho công ty trong bối cảnh lãi suất tăng.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan cổ phiếu DPM, với giá mục tiêu 53.000 đồng/CP.