- Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2022 đã cấp phép hoạt động cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Thúc đẩy tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hợp pháp của người dân
NHNN cũng ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, mở rộng tín dụng tiêu dùng.
NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, các TCTD đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng cho mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại,... triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng gắn với các nhóm khách hàng đặc thù với lãi suất, mức vay và thời gian vay ưu đãi.
Hiện nay dịch Covid – 19 đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế nói chung, các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng, thị trường bán lẻ đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân về xây dựng, sửa chữa nhà ở, du lịch, học tập, chăm sóc sức khỏe,… sẽ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao.
Ảnh minh hoạ |
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng.
Hai là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất.
16 Công ty tài chính được cấp phép
Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chính thức, hướng tới đẩy lùi tín dụng đen, tránh tình trạng "tín dụng đen" trá hình len lỏi vào đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, hoặc trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2022 đã cấp phép hoạt động cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc...
Báo cáo của 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho biết hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai đến người dân.
Cụ thể 16 công ty tài chính được cấp phép gồm: 6 công ty tài chính có vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng : Công ty tài chính TNHH một thành viên Cộng Đồng (tên cũ: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam) 500 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Handico 550 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) (100% vốn nước ngoài) 700 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 615 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam JACCS (100% vốn nước ngoài) 900 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 700 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Tín Việt 687,9 tỷ đồng.
Tiếp đến là 10 công ty tài chính có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên: Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện 1.050 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MB Shinsei 1.300 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội 1.000 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 1.314 tỷ đồng;.
Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (TCTD liên doanh) có vốn điều lệ 10.928 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Điện Lực 3.245 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH HD Saison (100% vốn nước ngoài) vốn điều lệ 2.350 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Home credit Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 2.050 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ 2.523 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (liên doanh) (tên cũ: Công ty tài chính TNHH MB) vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.